Kính chào hành khách, chào mừng hành khách đã đến với Công ty sản xuất giày thể Thao Mira . Bạn muốn kinh doanh thương mại loại sản phẩm giày...
KỸ THUẬT NUÔI THỎ – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng
KỸ THUẬT NUÔI THỎ
Thứ ba – 01/12/2020 10 : 59
KỸ THUẬT NUÔI THỎ
I. Lợi ích của nghề nuôi thỏ
– Thỏ sinh sản nhanh và nhiều, nuôi 6-7 tháng tuổi có thể cho sinh sản. Thời gian mang thai 1 tháng, trung bình thỏ đẻ được 6-7 thỏ con/lứa.
– Thức ăn cho thỏ dễ kiếm, rẻ tiền, chủ yếu là các loại củ quả, rau cỏ, lá cây có thể trồng hoặc tự kiếm.
– Vốn đầu tư con giống, chuồng trại và thức ăn thấp.
– Tận dụng lao động phụ (phụ nữ, người già, trẻ em) và lao động nhàn rỗi trong gia đình.
– Khả năng cung cấp sản phẩm thịt nhanh cho thị trường (1,7-2kg thịt/ 3 tháng nuôi), chất lượng thịt ngon.
II. Kỹ thuật nuôi
1. Một số giống thỏ phổ biến hiện nay
Newzealand White (Tân tây lan trắng):
– Toàn thân màu trắng tuyền, lông dày, mắt hồng.
– Có tầm vóc trung bình, trọng lượng trưởng thành đạt 5-5,5kg/con, tỷ lệ thịt xẻ 55%, tuổi phối giống lần đầu 5-6 tháng, số lứa đẻ 5-6 lứa/năm và số con/lứa là 6-7con.
Thỏ Californian:
– Bộ lông màu trắng tuyết, hai tai có màu đen, đuôi và bốn chân màu tro.
– Trọng lượng trưởng thành đạt 4,5-5kg, tỷ lệ thịt xẻ cao 55-58%.
– Ngoài ra, còn có một số giống nhập ngoại khác như thỏ Panon, Chinchilla…
Giống thỏ Việt Nam (thỏ dé, xám, đen):
– Thường bộ lông có màu tối như đen, xám hay màu loang lổ trắng đen.
– Đa số có tầm vóc nhỏ con, trọng lượng trưởng thành 2,2-3,2kg, tuỳ theo giống và điều kiện nuôi dưỡng.
– Sức đề kháng khá, thích nghi tốt trong điều kiện môi trường nhiệt đới (nóng, ẩm).
Ngoài các giống trên, hiện nay tại các hộ nuôi thỏ còn nuôi nhiều giống khác khó xác định, chúng là con lai của ít nhất 2 giống thỏ khác nhau. Vì vậy, người nuôi hiện nay rất khó xác định mức độ lai, cũng như tên giống. Hộ nuôi thường gọi tên theo màu sắc lông, hình dáng thể hiện bên ngoài như: thỏ trắng, thỏ bướm, thỏ xám, thỏ đen, thỏ tai cụp…
2. Cách chọn giống nuôi
Tuỳ theo mục đích nuôi và điều kiện hiện có mà nông hộ chọn giống cho phù hợp. Việc chọn con giống nuôi có ý nghĩa rất quan trọng, nó ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển đàn, ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ giản đàn, năng suất xuất chuồng và hiệu quả chăn nuôi. Thông thường, người nuôi áp dụng hai nguyên tắc cơ bản sau để tuyển chọn con giống:
Chọn theo gia đình (gia phả): Là cách chọn giống dựa vào sổ sách, lý lịch được ghi chép lại của các thế hệ trước (cha mẹ, ông bà, cụ kỵ…) và nhóm thỏ cùng thế hệ. Con giống được chọn trên cơ sở con của những thỏ mẹ khác dòng máu với cha, nhằm tránh hiện tượng đồng huyết, đồng thời theo dõi đánh giá quá trình sản xuất của thỏ mẹ như: tỷ lệ thụ thai, mật độ con/đàn, khả năng tiết sữa,… tất cả đều phải đạt chuẩn về giống.
Chọn theo cá thể: chọn những cá thể có ngoại hình khoẻ mạnh, lông bóng mượt và dày, nhanh nhẹn, không có khuyết tật, kiểm tra bộ phận sinh dục bình thường. Hoặc chọn những con có đặc điểm ngoại hình đúng với đặc điểm giống, to con, dài đòn, ngực sâu và nở, lưng rộng, mông, đùi nở nang, không dị tật.
Lưu ý: Chỉ nên chọn những con giống có trọng lượng sau cai sữa (30 ngày) đạt từ 500 – 600 gram; Thỏ hậu bị (6 tháng tuổi) trọng lượng từ 2,6 – 2,8 kg/ con.
3. Chuẩn bị chuồng trại
a. Điều kiện cơ bản về chuồng nuôi
Thỏ có thể được nuôi bằng chuồng sàn, chuồng lồng,… tùy vào điều kiện hộ nuôi. Dù vậy, các kiều chuồng nuôi cần phải đảm bảo một số yêu cầu cơ bản sau:
+ Chuồng phải đảm bảo sự thông thoáng, sạch sẽ, tránh mưa tạt, gió lùa và chắc chắn. Vị trí làm chuồng nên cách xa khu nuôi các loài gia súc khác.
+ Thỏ nuôi được hoạt động dễ dàng, thoải mái, không bị ảnh hưởng đến sức khoẻ.
+ Kiểu chuồng thiết kế sao cho ít tốn công khi tiến hành chăm sóc, quét dọn vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi…
+ Vật liệu sử dụng làm chuồng là các loại vật liệu tại địa phương (cau, tre, nứa,…) dễ tìm, rẻ tiền, bền và đảm bảo chắc chắn an toàn.
b. Quy cách chuồng nuôi:
Chuồng nuôi nên thiết kế thành nhiều dãy lồng, thường mỗi lồng dài 90 cm, rộng 60 cm, thành lòng cao khoảng 45 cm tính từ đáy lồng đến nóc, đáy lồng cách nền chuồng khoảng 50 cm. Mỗi dãy chuồng có thể làm nhiều lồng, mỗi lồng có thể nhốt được một thỏ giống sinh sản, 5 – 6 con sau cai sữa (thương phẩm) hoặc 2 con hậu bị giống. Làm lồng 2 tầng hoặc lồng một tầng đều để cửa mở phía trên.
Đáy lồng là chi tiết khá quan trọng khi thiết kế lồng nuôi, lồng nuôi yêu cầu đáy phải nhẵn, phẳng, sao cho thỏ không gặm được, không để lộ đầu đinh, mối buộc hoặc vật liệu làm lồng nhô lên làm xước da, loét gan bàn chân nhỏ. Nếu đáy chuồng làm bằng lưới kim loại thì cần có miếng gỗ phẳng đặt lên trên cho thỏ nằm yên tĩnh. Ngoài ra đáy lồng phải có lỗ hoặc khe hở để thoát phân và nước tiểu, nên Làm đáy lồng có thể tháo lắp ra được để thuận lợi cho việc vệ sinh.
Xung quanh chuồng (thành chuồng) và các ngăn giữa các ô lồng có thể làm bằng lưới sắt hoặc đóng bằng các thanh tre hoặc nẹp cau. Đảm bảo thỏ không thể chui ra được, hoặc các động vật khác đặc biệt là chuột không chui vào chuồng cắn thỏ.
Trong mỗi ô lồng cần bố trí một giá (máng hở) để thức ăn xanh, một máng thức ăn tinh, máng uống có thể làm bằng ống tre, nhựa, sành sứ, tôn,… nhưng phải có đế vững chắc và thiết kế sao cho thỏ không làm đổ máng, làm thức ăn, nước uống vương vãi, ẩm ướt.
Ổ để cho thỏ đẻ có thể làm bằng gỗ mỏng, bìa giấy cứng có khung nẹp chắc chắn quy cách dài 50 cm, rộng 35 cm, cao 20 cm.
Lồng chuồng có thể đặt dưới gốc cây có bóng mát ở ngoài vườn, đầu nhà có mái che, chống được mưa nắng, hoặc tận dụng các gian nhà trống để nuôi, chỗ đặt lồng phải đảm bảo thông thoáng sạch sẽ, chống gió lùa mạnh, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, quét dọn vệ sinh và thoát được phân rác dễ dàng
4. Chăm sóc nuôi dưỡng
a. Thức ăn:
Thỏ thuộc loại ăn tạp, vì vậy nguồn thức ăn của thỏ trong tự nhiên và trong sản xuất khá phong phú về chủng loại và sản lượng. Thức ăn của thỏ thường được chia làm 2 nhóm chính; nhóm thức ăn thô và thức ăn tinh (chế biến).
+ Nhóm thức ăn thô: thường chiếm khối lượng lớn trong tổng khẩu phần ăn hàng ngày của thỏ, khoảng 80-90% khẩu phần hàng ngày. Trong đó, thức ăn thô xanh gồm một số loại phụ phẩm nông nghiệp (lá các loại rau, cải…), một số loại cỏ (cỏ lông tây, cỏ voi…, cây thức ăn) dây leo, lá cây họ đậu (đậu ván, bình linh, so đũa…), rau muống, khoai lang… chiếm 50 – 60% khẩu phần ăn. Nhóm thức ăn thô thứ 2 chiếm khoảng 20 -30% khẩu phần là một số loại củ quả như cà rốt, bí đỏ, chuối, khoai lang, bắp…
+ Nhóm thức ăn tinh: chiếm khoảng 15% khẩu phần ăn, sử dụng dạng thức ăn công nghiệp (hàm lượng protein khoảng 15-16%) loại thức ăn cho gà, heo hoặc có thể tự phối trộn từ các nguồn nguyên liệu (cám, bắp, tấm, bánh dầu, bột cá, các premix khoáng, vitamine…). Hoặc có thể nấu tấm, gạo trộn với các loại thức ăn đậm đặc có hàm lượng protein, khoáng, vitamine cao, sao cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của thỏ cần bổ sung trong khẩu phần ăn hàng ngày.
+ Khẩu phần ăn: lượng thức ăn cho thỏ hàng ngày bằng khoảng 30-40% trọng lượng cơ thể. Người nuôi có thể chia khẩu phần thức ăn trong ngày cho thỏ ăn 2 hoặc 3 lần trong ngày (sáng-chiều hoặc sáng-chiều-tối), tùy vào điều kiện thời tiết, lao động nông hộ hoặc nhu cầu ăn của thỏ.
Lưu ý: Thức ăn thô xanh cho thỏ phải tươi và được rửa sạch bằng nước đảm bảo vệ sinh. Những loại rau lá có hàm lượng nước cao như bắp cải, lá rau muống, khoai lang,… sau khi rửa cần phơi cho héo nhằm làm giảm bớt lượng nước trong rau trước khi cho thỏ ăn. Phơi héo rau trước khi cho thỏ ăn sẻ giúp thỏ nuôi giảm bớt tình trạng rối loạn tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi hoặc ỉa chảy ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, thậm chí có thể gây chết thỏ nuôi.
b. Nước uống:
Khẩu phần thức ăn của thỏ có tỷ lệ thức ăn xanh cao, loại này chứa chiều nước nên lượng nước uống cần cung cấp cho thỏ hàng ngày không nhiều. Tuy nhiên, người nuôi vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ nước sạch và mát. Vì thỏ thiếu nước còn nguy hiểm hơn thiếu thức ăn, đặc biệt là đối với thỏ đẻ và tiết sữa. Không cung cấp đầy đủ nước uống cho thỏ dẫn đến tình trạng thiếu sữa hoặc thậm chí thỏ mẹ ăn thịt thỏ con. Trong thời gian nuôi con nên cho thỏ mẹ uống thêm nước đường hoặc ăn mía để nhanh phục hồi cơ thể, tiết nhiều sữa và đàn con phát triển tốt. Cho nên, người nuôi cần thiết kế hệ thống cung cấp nước uống tự động để cho thỏ uống tự do.
c. Chăm sóc:
– Trong quá trình chăn nuôi phải thường xuyên quan sát, đánh giá trạng thái sức khỏe của thỏ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Thỏ khỏe phản ứng rất linh hoạt, lông bóng mượt, không có vẫy rộp hoặc rụng lông thành từng mảng; Mũi và mắt khô, không có dịch nhờn, mủ chảy ra; Tiêu hóa bình thường, phân ở dạng viên cứng; niêm mạc hậu môn, cơ quan sinh dục khô, không có vảy, loét, không dính bết dịch thể khác; Hô hấp bình thường, nhịp thở đều đặn, nhẹ nhàng.
– Thỏ có đặc điểm rất nhạy cảm khi thay đổi thức ăn, nước uống, và cách chăm sóc, vì vậy trong chăm sóc người nuôi cần chú ý:
+ Nên cho ăn đúng giờ để thỏ có phản xạ và tăng cường khả năng tiêu hóa thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng ở mức tối đa.
+ Cần chú ý định lượng thức ăn đối với thỏ hậu bị, thỏ cái sinh sản và thỏ đực. Đối với thỏ thịt và thỏ con có thể cho ăn theo khẩu phần tự do.
+ Đối với thỏ nuôi bán thịt, kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi cho thấy sau nuôi thỏ được 75 – 90 ngày, cần cho thỏ cái ăn khẩu nghiệp (cám tổng hợp) loại cho gà con ăn (cám con cò 28A, 28B,…) thỏ sẽ tăng trọng nhanh và mập. Thời gian cho ăn liên tục khoảng 30 – 45 ngày, sau đó xuất chuồng sẽ cho lợi nhận cao hơn theo cách nuôi thông thường.
+ Nên tập trung khẩu phần thức ăn tinh vào ban ngày, thức ăn thô xanh cho ăn chủ yếu vào buổi chiều và tối. Lưu ý, ban đêm thỏ ăn gấp đôi ban ngày.
+ Sử dụng thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Khi chuyển sang loại thức ăn mới phải chuyển từ từ, hàng ngày thay khoảng 20-25% lượng thức ăn cũ bằng lượng thức ăn mới trong khẩu phần, kéo dài khoảng 1 tuần thì cho thỏ ăn thức ăn mới hoàn toàn.
+ Hàng ngày cần vệ sinh chuồng nuôi, thức ăn thừa cần loại bỏ, tránh thỏ ăn phải thức ăn thừa đã bị ôi, ẩm mốc, lên men hoặc bị bẩn do dính phân, nước tiểu của thỏ làm thỏ bị tiêu chảy…
– Vào những tháng gần Tết (trời lạnh) nhiệt độ không khí trung bình thấp và kéo dài, người nuôi cần che chắn xung quanh lồng chuồng thỏ con nhằm giữ ấm thỏ. Cho ăn tăng cường lượng thức ăn tinh nhiều chất đạm, chất béo trong khẩu phần ăn, giúp thỏ có thêm năng lượng chống lạnh. Nếu trời nắng nóng, nhiệt độ trung bình ngày lớn 35¬¬¬oC, cần bật quạt thông gió, cho thỏ uống thêm B.complex có nhiều vitaminC, chất điện giải như Unilite Vit-C và rau, cỏ xanh để giúp thỏ giải nhiệt.
– Khi bắt thỏ lên khỏi lồng người nuôi cần lưu ý một tay nắm chắc phần da gáy thỏ nhấc lên, tay còn lại đỡ dưới phần mông của thỏ để giảm áp lực do trọng lượng thỏ trì kéo xuống. Không được cầm tai thỏ nhấc lên vì dễ làm cho các mạch máu, dây chằng, thần kinh bị đứt, tụ máu. Cũng không được ôm ngang bụng thỏ, nhất là ở thỏ trưởng thành dễ làm thỏ bị đứt ruột, sẩy thai.
5. Vệ sinh phòng bệnh
Thỏ là loại gia súc yếu, rất nhạy cảm với ngoại cảnh, sức đề kháng của cơ thể kém, dễ nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch bệnh do các yếu tố của môi trường ngoại cảnh gây nên. Khi mắc bệnh thỏ dễ chết, có khi chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Cho nên, phải nuôi thỏ đúng yêu cầu kỹ thuật, chú ý nhất là khâu vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng. Người nuôi thỏ thực hiện tốt phương châm phòng bệnh là chính, thực hiện tốt nguyên tắc “3 sạch”: ở sạch, ăn sạch, uống sạch đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ. Hàng ngày, vệ sinh dụng cụ, thức ăn, nước uống trước khi cho ăn, định kỳ tổng vệ sinh 3 tháng 1 lần.
Đặc biệt, khi thời tiết hoặc môi trường sống thay đổi cần phải vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng thật tốt, có thể bổ sung vitamin cho thỏ từ 3-5 ngày để tăng sức đề kháng và chống stress. Phòng bệnh tích cực bằng cách sử dụng vaccin, thuốc kháng sinh để ngăn chặn sự xuất hiện và phát tán mầm bệnh. Thường xuyên theo dõi đàn thỏ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời (còn tiếp).
Theo: http://cantho.gov.vn/wps/wcm/connect/sonnptnt/sub_site/sitemenu/khuyen+nong/channuoi/jyrjyjtjyt
Tác giả bài viết: HK (tổng hợp)
Source: https://vh2.com.vn
Category : Công Nghệ