Networks Business Online Việt Nam & International VH2

Nghiên cứu khoa học về kỹ năng nghe tiếng Anh của sinh viên

Đăng ngày 18 August, 2022 bởi admin

Báo cáo nghiên cứu khoa học: “KHẢO SÁT NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH DẠY KỸ NĂNG NGHE HIỂU CHO SINH VIÊN HỌC TIẾNG ANH KHÔNG CHUYÊN NGỮ” potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản không thiếu của tài liệu tại đây ( 306.61 KB, 5 trang )

KHẢO SÁT NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH
DẠY KỸ NĂNG NGHE HIỂU CHO SINH VIÊN
HỌC TIẾNG ANH KHÔNG CHUYÊN NGỮ
AN INVESTIGATION INTO THE DIFFICULTIES IN TEACHING LISTENING
COMPREHENSION SKILL TO NON-MAJOR ENGLISH LEARNERS

TÔN NỮ XUÂN PHƯƠNG
Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Đà Nẵng

TÓM TẮT
Nghe hiểu được xem là kỹ năng khó rèn luyện nhất trong bốn kỹ năng ngôn ngữ. Bài nghiên
cứu này nhắm đến việc khảo sát, tìm hiểu quá trình dạy và học kỹ năng nghe hiểu cho đối
tượng sinh viên không chuyên ngữ ở trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Trên cơ sở tìm hiểu
bản chất và yêu cầu của môn học, và phân tích những khó khăn chủ quan và khách quan các
đối tượng này gặp phải, ngưòi nghiên cứu mong muốn đề đạt một số giải pháp để cải thiện
tình hình.
ABSTRACT
Listening Comprehension has been considered the most difficult of the four language skills.
This study is aimed to investigate the teaching and learning of Listening Comprehension in the
non-major English classes at Danang College of Economics. On the basis of examining the
nature and requirements of the subject and analyzing the difficulties faced by the teachers and
learners of Listening Comprehension, the researcher wishes to explain the subjective and
objective reasons accounting for the unsatisfactory results in order to put forward some
suggestions for improvement.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm qua giảng dạy ngôn ngữ theo đường hướng giao tiếp là phương pháp
chủ đạo được áp dụng rộng rãi cho nhiều lớp học ngoại ngữ. Việc rèn luyện cho người học kỹ

năng giao tiếp được xem là mục tiêu cơ bản trong tiến trình dạy học ngôn ngữ trong đó cả bốn
kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết đều được đặc biệt chú trọng. Nghe hiểu không còn là kỹ
năng ngôn ngữ thụ động đòi hỏi kỹ năng tiếp nhận (receptive skill) như một số giáo viên quan
niệm trước đây. Nghe hiểu trở thành kỹ năng chủ động trong đó người học đóng vai trò tích
cực của người tham dự vào thông tin được nghe, xử lý thông tin, hiểu và giải mã được thông
tin để cuối cùng phản hồi lại với thông tin đó, đúng như tiến trình gồm bốn thao tác: cảm nhận
– hiểu – đánh giá – phản hồi do Steil, Barker & Wakson (1983) [4] đề xuất. Chỉ khi nào người
nghe có thể phản hồi được thì tiến trình nghe mới hoàn tất, quá trình giao tiếp mới đạt được
kết quả mong muốn. Kỹ năng nghe tồi có thể làm hỏng tiến trình giao tiếp. Nghe hiểu, vì vậy,
được xem là yếu tố cơ bản của quá trình giao tiếp. Người học muốn tăng cường giao tiếp
không còn cách nào khác phải trau giồi kỹ năng nghe hiểu này.

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
2.1. Yêu cầu của người dạy và người học trong quá trình học tập và giảng dạy kỹ
năng nghe hiểu
Trước đây từng có quan điểm từ một số giáo viên ngoại ngữ cho rằng không thể dạy
được kỹ năng nghe vì không thể biết thật sự điều gì đang diễn ra trong tư duy của người học
suốt quá trình nghe. Tuy nhiên Mary Underwood (1989) [5] có quan điểm ngược lại. Nghe
hiểu là kỹ năng có thể dạy, trong đó người dạy cần có khả năng đặt sinh viên vào những tình
huống khác nhau gắn liền với các chủ điểm ngôn ngữ khác nhau; khả năng biến quá trình
nghe trở thành có mục đích bằng cách đưa ra các tình huống nghe có tính thực tiễn cao, từ đó
dần dần giúp người học tự tin vào khả năng nghe của mình.
Cũng theo quan điểm của Mary Underwood [5], để rèn luyện kỹ năng nghe hiệu quả,
người học cần trước hết áp dụng các phương pháp nghe vốn được sử dụng một cách tự nhiên
trong quá trình nghe hiểu tiếng mẹ đẻ, không bám vào từng câu chữ của thông tin được nghe.
Người học cần tăng cường học hỏi để mở mang thêm vốn kiến thức văn hoá xã hội liên quan
đến chủ điểm được nghe, đồng thời chấp nhận hiểu một phần thông tin, không đặt ra yêu cầu
nắm bắt toàn bộ thông tin đang được trình bày. Trong tiến trình đó, vốn từ vựng của người
học, khả năng nhận diện các từ chuyển mạch, cách dùng trọng âm, ngữ điệu của người nói,
để đoán được những gì sắp xảy đến trong đàm thoại, khả năng hiểu được ý nghĩa thật sự ẩn

dưới câu chữ, khả năng phân biệt giữa dữ kiện trình bày và quan điểm của người nói, là
những kỹ năng nghe cần thiết người học cần đuợc rèn luyện trong quá trình rèn luyện kỹ năng
nghe hiểu.
2.2. Thực trạng giảng dạy-học tập kỹ năng nghe hiểu cho đối tượng sinh viên
không chuyên ngữ và quan điểm của người học và người dạy về những khó khăn của việc
dạy-học kỹ năng nghe
Dựa trên kết quả của các phiếu điều tra đối với đối tượng người học (100 sinh viên
không chuyên ngữ) và đối tượng người dạy (10 giáo viên Khoa Tiếng Anh không chuyên
ngữ), đồng thời trên cơ sở đánh giá chủ quan của người nghiên cứu qua các buổi dự lớp và
các cuộc phỏng vấn không chính thức, có thể nhìn nhận thực trạng sau về tiến trình dạy và
học nghe cho đối tượng sinh viên không chuyên ngữ:
Về phía người học, phải thừa nhận thực tế là mặc dù đã qua 7 năm (81%), hoặc ít nhất
3 năm (16%) học tiếng Anh ở chương trình phổ thông, đối với đa số sinh viên (76%), nghe
hiểu là môn học khá mới mẻ và hầu hết (98%) cho rằng nghe hiểu là môn học khó nhất. Trong
khi đó, với 04 tiết học tiếng Anh mỗi tuần (học kỳ 1), và 03 tiết / tuần (học kỳ 2 và học kỳ 3)
trong 15 tuần mỗi học kỳ, thời lượng giành cho học nghe ở lớp quá ít ỏi. Thời gian tự học của
sinh viên càng ít ỏi hơn, chỉ có 27% sinh viên thừa nhận có luyện nghe thêm ở nhà từ 1 – 2 giờ
/ tuần. Điều này lý giải phần nào thực trạng một số sinh viên đọc phần ghi lại lời băng nghe
(Tapescript) trước khi đến lớp, thói quen xấu biến quá trình nghe trở thành vô nghĩa và lãng
phí thời gian.
Thói quen dịch sang tiếng Việt để hiểu từng câu chữ, mong muốn nghe và nhớ được
100% thông tin cũng làm không ít sinh viên (63%) không phân biệt được đâu là nội dung cốt
lõi cần nắm bắt, đâu là thông tin thứ yếu có thể bỏ qua trong quá trình nghe. Nhận thức lệch
lạc về yêu cầu của môn học kiểu này làm người học mệt mỏi và có khuynh hướng ngán ngại,
hoang mang trong các giờ học nghe tại lớp.
Về phía người dạy, việc áp dụng phương pháp truyền thống trong giảng dạy ngôn ngữ
kể cả dạy nghe hiểu ở một số giáo viên càng làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Vẫn còn
quan niệm cho rằng nghe là rèn luyện kỹ năng tiếp nhận ngôn ngữ (receptive skill). Người
học được yêu cầu tiếp nhận thông tin mà không hề được gợi ý trước về tình huống sắp nghe
hay không hề được đặt ra yêu cầu phản hồi sau khi nghe một cách rõ ràng. Một số giáo viên

cũng ý thức được sự cần thiết phải thay đổi phương pháp dạy nhưng do thời lượng eo hẹp ở
lớp, họ không thể áp dụng được nhiều biện pháp hữu hiệu để thay đổi tình hình.
Sự thiếu đầu tư trang thiết bị giảng dạy của trường sở tại (phòng lab, băng, đĩa, ),
cộng với tình trạng lớp đông vẫn còn phổ biến ở các lớp không chuyên ngữ càng làm hạn chế
tính hiệu quả của quá trình dạy – học nghe ở đối tượng này.
Thực trạng không mấy khả quan này làm cho nghe hiểu đã khó càng trở nên khó hơn.
Theo Brown and Yule (1983) [2], có bốn yếu tố có thể gây khó khăn cho tiến trình nghe hiểu:
ngưòi nói, người nghe, nội dung thông tin và các trang thiết bị bỗ trợ. Thực tế thì trong quá
trình dạy và học môn nghe hiểu cho đối tượng này, người dạy ý thức được và người học
thường gặp phải một số khó khăn sau:
Trở ngại trước tiên phải kể đến là sự thiếu kiến thức ngôn ngữ. Vốn từ hạn chế là trở
ngại lớn nhất đối với quá trình nghe hiểu của người học (71%). Hạn chế này khiến người học
do phải dừng lại suy nghĩ khi gặp từ mới, đã để vuột mất thông tin cần nắm tiếp theo. Đó là
chưa kể đến yếu tố tâm lý căng thẳng khi nghe có thể biến những từ quen thuộc trở thành từ
mới không nhận ra nổi trong quá trình nghe. Cách phát âm từ vựng còn làm tăng độ khó của
môn nghe lên nhiều lần. Những biến đổi âm trong lời nói nhanh và liên tục so với cách phát
âm rõ ràng từng âm tiết của giáo viên ở lớp cũng là trở ngại đáng kể. Chẳng hạn các hiện
tượng âm Schwa /Ə/, hiện tượng nuốt âm (elision), đồng hoá âm (assimilation), đồng âm dị
nghĩa (homophone), luôn là những thách thức không nhỏ đối với người học không chuyên
ngữ. Đó là chưa kể đến những giọng phát âm khác nhau (accents) vốn gây sốc và khủng
hoảng tâm lý cho người học.
Trở ngại về kiến thức ngôn ngữ càng gây khó khăn gấp bội khi kèm theo nó là hạn chế
kiến thức về lĩnh vực chuyên môn đề cập đến trong bài nghe. Nếu không có kiến thức nền
rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, người học khó có thể nhận đoán những điều sắp
nghe, suy diễn phát hiện những gì chưa nghe được để nâng cao hiệu quả của môn học này.
Một vấn đề nổi cộm khác làm ảnh hưởng không nhỏ kết quả quá trình dạy – học nghe
là sự hổng kiến thức văn hoá. Wardhaugh (1986) [6] khẳng định ngôn ngữ và văn hoá có mối
liên hệ không thể tách rời (inextricably), không thể hiểu và đánh giá ngôn ngữ ngoài yếu tố
văn hoá. Vì vậy, nếu người học đem áp đặt mã văn hoá, phong tục tập quán của ngôn ngữ mẹ
đẻ vào ngôn ngữ đích sẽ không giải mã đúng, từ đó không suy đoán được, thậm chí hiểu sai ý

tưởng người nói cần chuyển tải.
Vấn đề tâm lý cũng là một khó khăn khác đối với người học trong tiếp nhận và phản
hồi thông tin. Một trong những yếu tố tâm lý dẫn đến tình trạng không nắm bắt được thông tin
được nhiều sinh viên (58%) chia sẻ là người nghe không thể quyết định nhịp độ hay chẻ nhỏ
thông tin thành từng mảng dễ kiểm soát như khi đọc, viết hoặc nói. Người học chỉ có thể điều
chỉnh cho kịp với nhịp độ đang diễn ra. Nếu không có tâm lý vững người nghe không thể làm
được điều này. Khó hơn nữa là lời nói lập tức biến mất ngay sau khi thốt ra. Người nghe nếu
không nắm bắt được sợi chỉ xuyên suốt, mải lo chú ý đến tiểu tiết hoặc quá sa đà vào việc
diễn nghĩa những gì nghe được, sẽ bỏ mất thông tin kế tiếp, dẫn đến hoảng sợ bỏ luôn thông
tin tiếp theo. Sự chăm chú giả tạo (faking attention) (Steil, Barker & Watson) của người học
cũng là thói quen xấu cần tránh trong quá trình rèn luyện kỹ năng nghe.
Các yếu tố khách quan về cơ sở vật chất và tài liệu giảng dạy cũng như môi trường
ngôn ngữ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả dạy và học môn nghe. Trong lớp học cả
thầy và trò đều không phải là người bản xứ, nguời học ít có điều kiện nghe đúng thứ tiếng
Anh của người bản địa, hay sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp thực. Sinh viên
vì thế có khuynh hướng phản ứng chậm, thậm chí không giao tiếp được khi được đặt vào các
tình huống giao tiếp cụ thể. Tình trạng lớp đông và trình độ không đồng đều cũng gây nhiều
khó khăn cho người dạy trong việc xử lý các tình huống ở lớp. Thái độ học thụ động trong giờ
học nghe ở một số lớp người nghiên cứu có dịp dự giờ cũng cho thấy người học dường như
chưa quan tâm đúng mức đến việc tự nâng mình lên trong quá trình học nghe.
2.3. Các giải pháp khắc phục
Trước hết người dạy và người học cần hiểu rõ bản chất của quá trình nghe hiểu. Theo
Anderson & Lynch (1988) [1] và David Nunan (1991) [3], người nghe đóng vai trò là một chủ
thể tích cực (active model builder), xây dựng cho mình kỹ năng nắm bắt thông tin bằng
phương pháp bottom-up, phân đoạn lời nói thành từng đơn vị từ nhỏ đến lớn dần để hiểu;
hoặc phương pháp top-down, dùng kiến thức nền sẵn có của mình để nắm bắt được vấn đề.
Mặt khác, cũng theo quan điểm của Anderson & Lynch (1988) [1], có mối liên hệ mật
thiết giữa kỹ năng nghe và kỹ năng nói, giữa nghe hiểu và đọc hiểu, trong đó nói là kết quả
của việc theo dõi và hiểu những gì nghe được (Speaking results from the process of
following and interpreting the listening input) [1], và phát triển kỹ năng nghe không những

giúp cải thiện khả năng nghe mà còn phát triển được khả năng nói và đọc hiểu.
Từ đó người nghiên cứu xin đề xuất một số kiến nghị sau:
Về phía người dạy, cần nâng cao ý thức học hỏi đồng nghiệp để không ngừng đổi mới
phương pháp giảng dạy kỹ năng nghe hiểu, kỹ năng được xem là khó nhất. Người dạy cần có
sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp để tìm ra phương pháp dạy tối ưu áp dụng
vào bài giảng môn nghe. Ngoài sự đa dạng về phương pháp, giáo viên cần sử dụng nhiều
nguồn dữ liệu khác nhau, với nhiều yêu cầu có độ khó khác nhau để không làm sinh viên khá
cảm thấy chán, đồng thời không làm sinh viên yếu nản vì cảm giác bị bỏ rơi.
Mặt khác, nhằm khắc phục tình trạng lớp đông sinh viên, giáo viên cũng cần khuyến
khích sự hợp tác, giúp đỡ lần nhau giữa các đối tượng người học, và khuyến khích sinh viên ý
thức được họat động tự học ở nhà. Người dạy cần từng bước hướng dẫn, rèn luyện cho người
học khả năng suy đoán, suy diễn dựa trên hình ảnh gợi ý ban đầu, hoặc các yếu tố báo hiệu
chuyển ý như các liên từ, từ nối câu để đoán được thông tin tiếp theo. Kỹ năng phát âm của
sinh viên, đặc biệt những trường hợp biến âm như hiện tượng nuốt âm, đồng âm, đồng hoá,
cũng nên được tăng cường trong việc thiết kế các hoạt động nghe hiểu tại lớp.
Về phía người học, cần nhận thức đúng bản chất và yêu cầu của môn nghe hiểu để có
kế hoạch điều chỉnh, rèn luyện phương pháp nghe hiểu hiệu quả. Sinh viên cần tuyệt đối tránh
thói quen thụ động, không động não suy nghĩ trước lúc nghe, cũng như cần khắc phục hiện
tượng chú ý giả tạo, hoặc thói quen xem trước Tapescript, mong muốn nắm bắt 100% thông
tin, Người học cũng cần tận dụng mọi cơ hội để có thể luyện nghe, cả trong lẫn ngoài lớp
học, nâng cao ý thức tự học ở nhà, kể cả luyện phát âm thật chuẩn những từ đã học. Do có sự
liên thông giữa nghe hiểu với một số kỹ năng khác, quá trình luyện nghe nên được thực hiện
trên cơ sở kết hợp trau giồi các kỹ năng nói, đọc hiểu. Ngoài ra, người học cũng cần đọc thêm
nhiều tài liệu sách báo liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau để mở rộng vốn kiến thức nền về
các vấn đề kinh tế xã hội của mình.
Về phía người lên chương trình và biên soạn giáo trình, cũng cần tạo sự chủ động cho
người dạy và người học ở lớp. Ngoài các tài liệu giảng dạy bắt buộc trên lớp, các đối tượng
giảng dạy, học tập ngôn ngữ nói chung, kỹ năng nghe hiểu nói riêng, cần được giành riêng
một phần thời gian tương ứng với 1/5 thời lượng của cả học kỳ để có thể thực hiện một số
hoạt động giao tiếp theo nhu cầu và sở thích của sinh viên. Người dạy và người học có thể

chuẩn bị một số băng đĩa nghe không nằm trong chương trình như bài hát, những mẩu chuyện
sinh động, hoặc một số tài liệu ghi âm từ các cuộc phỏng vấn, trò chuyện truyền hình, hay
môt đoạn thoại trong một bộ phim đang ăn khách, để làm thay đổi khẩu vị và làm đa dạng
hoá các hoạt động nghe hiểu tại lớp.
Các lớp học cần được bố trí trang thiết bị thuận lợi cho việc dạy và học kỹ năng nghe,
và tốt hơn hết là ở khu vực tách biệt để khỏi ảnh hưởng đến giờ dạy của các giáo viên khác.

3. KẾT LUẬN
Thành công trong dạy học ngôn ngữ nói chung, trong dạy và học kỹ năng nghe hiểu
nói riêng phải là kết quả của những nỗ lực toàn diện không chỉ từ phía người dạy, người học,
mà còn từ những yếu tố liên quan như tài liệu giảng dạy, phương pháp giảng dạy, phương
pháp đánh giá, Xuất phát từ bản chất của môn học, người nghiên cứu mong muốn lý giải
những khó khăn đối với người dạy và người học ở các lớp không chuyên ngữ gặp phải trong
quá trình giảng dạy và học tập kỹ năng nghe để từ đó đề xuất một sồ ý kiến nhằm để cải thiện
tình hình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Anderson, A. & Lynch, T., Listening, OUP, 1998.
[2] Brown, G, & Yule, G., Teaching Spoken English, CUP, 1983a.
[3] Nunan, D., Language Teaching Methodology, Prentice Hall International (UK) Ltd,
1991.
[4] Steil, L. et al, Effective Listening, Mc. Graw Hill, Inc. 1983.
[5] Underwood, M., Teaching Listening, Longman, 1989.
[6] Wardhaugh, R., An Introduction to Sociolinguistics, Basil Blackwell Ltd, 1986.

Source: https://vh2.com.vn
Category : Khoa Học

Liên kết:XSTD