Networks Business Online Việt Nam & International VH2

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2003

Đăng ngày 21 September, 2022 bởi admin

1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp
Theo ước tính sơ bộ, tổng sản phẩm trong nước 9 tháng năm 2003 tăng 7,1% so với 9 tháng năm 2002, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,97%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,19%; khu vực dịch vụ tăng 6,48%. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 6,86% của 9 tháng năm 2002 là 0,24 điểm phần trăm, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,26 điểm; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 1,06 điểm và khu vực dịch vụ giảm 0,06 điểm. Trong 7,1% tăng trưởng của 9 tháng 2003, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 3,81%; khu vực dịch vụ đóng góp 2,65%; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,64%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng 2003 tăng chậm hơn so với mức tăng 4,03% của 9 tháng 2002, chủ yếu do ngành nông nghiệp mà nguyên nhân là vụ lúa đông xuân, lúa hè thu của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giảm cả về năng suất và diện tích. Ngược lại, giá trị tăng thêm của ngành thuỷ sản tăng do chi phí nuôi trồng thuỷ sản giảm và do nhân rộng mô hình nuôi trồng một vụ lúa, một vụ thuỷ sản.
Khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng 2003 tăng 10,19%, cao hơn mức 8,93% của 9 tháng 2002; riêng giá trị tăng thêm của công nghiệp tăng 10,17% (cao hơn mức 8,6% của 9 tháng 2002). Đáng lưu ý là giá trị tăng thêm của công nghiệp khai thác tăng mạnh từ 0,8 % của 9 tháng 2002 lên 7,13% của 9 tháng 2003. Cả sản xuất dầu thô và than đá đều tăng, không chỉ góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế nói chung mà còn góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu nói riêng. Khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn luôn là khu vực đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (9 tháng năm 2003 chiếm 53,06% của mức tăng trưởng toàn nền kinh tế).
Khu vực dịch vụ 9 tháng 2003 tăng 6,48%, giảm nhẹ so với mức tăng 6,54% của 9 tháng năm 2002, chủ yếu do các ngành du lịch, vận tải, thương mại giảm so với mức tăng của cùng kỳ năm trước, vì bị ảnh hưởng của dịch SARS và vận tải hàng hoá bằng đường biển trên tuyến Trung Đông. Khu vực dịch vụ có khả năng phục hồi nhanh hơn vào những tháng cuối năm và do SEA Games sẽ được tổ chức vào tháng 12 nên mức tăng của các ngành dịch vụ chủ yếu như thương mại, khách sạn nhà hàng, vận tải, bưu điện sẽ khá hơn mức tăng của quý IV năm trước và như vậy trong quý IV, tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế có thể đạt trên 7,5%. Theo xu hướng này, cả năm 2003 tổng sản phẩm trong nước sẽ đạt trên 7,2%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước tính đạt 79,6% dự toán cả năm và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu trong nước đạt 77,6% và tăng 9,5%; thu từ dầu thô đạt 94% và tăng 24,2%; thu từ xuất nhập khẩu (phần cân đối ngân sách nhà nước) đạt 73,3% và tăng 4,8%. Các khoản thu như thu về thuế nhà, đất đã vượt dự toán 13,7%; thuế sử dụng đất nông nghiệp vượt 64,6%. Trong các khoản thu trong nước, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 83,8% dự toán và tăng 15,1% so với cùng kỳ 2002, thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 81,3% và tăng 16,9%; riêng thu từ doanh nghiệp Nhà nước mới đạt 69,6% và tăng 8,1%. Tổng chi ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 72,4% dự toán cả năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 69,1%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội đạt 74,5%, chi trả nợ và viện trợ đạt 78,2%. Bội chi ngân sách 9 tháng bằng 53% dự toán cả năm. Số bội chi được bù đắp bằng vay trong nước 61%, phần còn lại vay của nước ngoài.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
a. Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp năm 2003 tiếp tục theo xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên diện tích lúa cả năm ước tính đạt 7443,6 nghìn ha, giảm 60,7 nghìn ha, bằng 99,2% năm 2002, trong đó lúa đông xuân 3022,9 nghìn ha, giảm 10,1 nghìn ha, bằng 99,7%; lúa hè thu 2308,1 nghìn ha, tăng 14,4 nghìn ha, bằng 100,6%; lúa mùa 2112,6 nghìn ha, giảm 65 nghìn ha, bằng 97%. Diện tích gieo trồng ngô đạt 894,3 nghìn ha, tăng 78,3 nghìn ha và bằng 109,6%. Năng suất lúa cả năm ước tính đạt 46,6 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với năm 2002; sản lượng đạt 34,67 triệu tấn, tăng 22,2 vạn tấn (+0,6%). Nếu tính thêm 2,85 triệu tấn ngô thì tổng sản lượng lương thực có hạt năm nay ước tính đạt 37,52 triệu tấn, tăng 55,86 vạn tấn so với năm 2002.
Sản xuất rau đậu và cây công nghiệp hàng năm phát triển theo hướng phục vụ chế biến và xuất khẩu, trong đó sản lượng đậu tương đạt 225 nghìn tấn, tăng 9,4%; bông 47,5 nghìn tấn, tăng 18,8%; cói 98,6 nghìn tấn, tăng 12%; lạc 410,6 nghìn tấn, tăng 2,6%. Một số cây trồng khác như đay, mía do ảnh hưởng của đợt hạn kéo dài nên sản lượng không tăng.
Năm 2003, giá một số nông sản chủ yếu như hồ tiêu, điều và cao su tăng đã kích thích nông dân mở rộng diện tích và đầu tư chiều sâu. Tổng diện tích gieo trồng cây công nghiệp lâu năm ước tính đạt 1507 nghìn ha, tăng 15,3 nghìn ha so với năm 2002, trong đó diện tích cho sản phẩm một số cây tăng khá như: Chè tăng 8,7 nghìn ha; cao su tăng 10,9 nghìn ha; hồ tiêu tăng 4,1 nghìn ha; điều tăng 3,6 nghìn ha. Riêng cà phê và dừa do thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên diện tích gieo trồng cà phê giảm 8,8 nghìn ha, dừa giảm 5,3 nghìn ha. Diện tích cây ăn quả năm nay ước tính đạt 702,1 nghìn ha, tăng 24,9 nghìn ha so với năm 2002.
Ước tính sản lượng chè năm 2003 đạt 450,3 nghìn tấn, tăng 26,7 nghìn tấn so với năm trước; cà phê 720 nghìn tấn, tăng 20,4 nghìn tấn; cao su 318,7 nghìn tấn, tăng 20,5 nghìn tấn; hồ tiêu 73,2 nghìn tấn, tăng 26,4 nghìn tấn; điều 165,8 nghìn tấn, tăng 37 nghìn tấn; dừa 956,9 nghìn tấn, tăng 41,7 nghìn tấn.
Giá thực phẩm tăng so với năm trước tạo điều kiện và khuyến khích chăn nuôi phát triển với số lượng lớn theo hướng sản xuất hàng hoá. Tính đến thời điểm 1/8/2003, đàn trâu cả nước có 2,8 triệu con, xấp xỉ số đầu con năm 2002; đàn bò 4,4 triệu con, tăng 334 nghìn con; đàn lợn 24,9 triệu con, tăng 1,7 triệu con; đàn gia cầm 254,3 triệu con, tăng 21 triệu con.
b. Lâm nghiệp
Diện tích trồng rừng tập trung cả nước năm 2003 ước tính đạt 192 nghìn ha, tăng 1% so với năm 2002, tập trung chủ yếu ở các vùng: Duyên hải Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc và Đông Bắc, trong đó diện tích rừng trồng mới trong dự án 5 triệu ha chiếm 65%. Sản lượng gỗ khai thác đạt 2500 nghìn m3, không tăng so với năm trước do thời tiết 6 tháng cuối năm không thuận cho việc khai thác tại các vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, cùng thời gian này, Nhà máy giấy Bãi Bằng tạm ngừng sản xuất để nâng cấp các dây chuyền, do vậy ảnh hưởng đến tiến độ khai thác gỗ của vùng Đông Bắc.
Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm hơn nên tình trạng cháy và phá rừng đã có chiều hướng giảm đi rõ rệt. Cả nước có 4924,3 ha rừng bị cháy, giảm 7409,2 ha so với năm 2002 và 2402,6 ha bị phá, giảm 2667,4 ha, trong đó một số tỉnh xảy ra cháy lớn: Hoà Bình 718,2 ha; Kiên Giang 506 ha; Lai Châu 431 ha và một số tỉnh có diện tích rừng bị phá nhiều: Bình Phước 462 ha; Đắk Lắk 367 ha; Lâm Đồng 273 ha.
c. Thuỷ sản
Sản xuất thuỷ sản năm nay tăng khá cả nuôi trồng và đánh bắt. Sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 1832 nghìn tấn, tăng 1,6% so với năm 2002, trong đó đánh bắt xa bờ đạt 1620,6 nghìn tấn, tăng 2,9% do số lượng tàu thuyền tham gia đánh bắt ổn định hơn (Kiên Giang tăng 5,5%; Bình Thuận tăng 4,5%, Bình Định tăng 3,7%). Diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 855,4 nghìn ha, tăng 7,2% (Kiên Giang tăng 25,5%; Sóc Trăng tăng 18,3%; Bạc Liêu tăng 13,4%) do một phần diện tích trồng lúa năng suất thấp được chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản và một số địa phương thực hiện mô hình 1 vụ lúa + 1 vụ thuỷ sản. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước tính đạt 962,8 nghìn tấn, tăng 14% so với năm trước, trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 220,6 nghìn tấn, tăng 18,5%; cá nuôi 573,2 nghìn tấn, tăng 17,8%. Nét mới trong nuôi trồng thuỷ sản năm nay là nhiều địa phương mở rộng diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, đồng thời tăng vụ nhằm tăng hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản trên một đơn vị diện tích, riêng diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu tăng 3 lần so với năm 2002.
Tính chung giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2003 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 163,22 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2002, trong đó nông nghiệp 127,06 nghìn tỷ, tăng 4%; lâm nghiệp 6,17 nghìn tỷ, tăng 1,1%; thuỷ sản 29,98 nghìn tỷ, tăng 8,6%.
3. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tháng 9 và quý III nhìn chung tăng trưởng cao hơn các tháng đầu năm. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9 ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 15,2%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 20,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,3% (trong đó dầu mỏ và khí đốt giảm 8,4%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như than sạch khai thác, thuỷ sản chế biến, bột ngọt, vải lụa các loại, quần áo dệt kim, phân hoá học, thép cán, máy công cụ, động cơ diezen, quạt điện, tivi, điện phát ra có tốc độ tăng tháng 9 cao hơn tốc độ tăng của 8 tháng. Tuy nhiên, một số sản phẩm như dầu thô khai thác, ô tô, xe đạp, thuốc trừ sâu trong tháng 9 giảm so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng năm 2003, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính tăng ở mức 15,9%, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 12,6% (trung ương quản lý tăng 12,4% và địa phương quản lý tăng 12,9%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 18,6% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,6% (dầu mỏ và khí đốt tăng 8,6% so với cùng kỳ, trong khi 9 tháng năm 2002 giảm).
Sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu và có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của nền kinh tế và xuất khẩu tăng cao: Than sạch khai thác tăng 19,6%; dầu thô khai thác tăng 5,3%; thuỷ sản chế biến tăng 20,1%; quần áo dệt kim tăng 38%, quần áo may sẵn tăng 51,8%; giấy bìa tăng 12,5%; phân hoá học tăng 10,8%, xi măng tăng 15,5% thép cán tăng 15,8%, động cơ diezen tăng 170,3%, động cơ điện tăng 18,7%; ti vi lắp ráp tăng 33,6%, ô tô lắp ráp tăng 22,8% và điện tăng 14,7%. Tuy nhiên, một số sản phẩm do ảnh hưởng của cầu trong nước, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hoặc do công nghệ lạc hậu… nên tốc độ tăng chậm và giảm như xe máy lắp ráp, xe đạp, máy công cụ, máy biến thế, thuốc trừ sâu…
Một số địa phương có qui mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn tương đối lớn có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của công nghiệp 9 tháng là Hà Nội tăng 28,5%; Đồng Nai tăng 18,0%; Bình Dương tăng 35,1%; Hải Phòng tăng 17,2%; Vĩnh Phúc tăng 26,3%; Đà Nẵng tăng 22,7%; Khánh Hoà tăng 20,6%; Cần Thơ tăng 19,9%. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có tỷ trọng lớn nhất trong công nghiệp cả nước (khoảng 26%) đạt mức tăng 15,1% và Bà Rịa- Vũng Tàu, tỷ trọng 10,8%, tăng 7,3% (9 tháng 2002 giảm).
Sở dĩ công nghiệp 9 tháng năm 2003 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ là do: (1) Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời và có hiệu quả trong điều hành nền kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng, nên đã tác động mạnh mẽ và có hiệu quả đến việc tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh; tháo gỡ khó khăn về vốn, về tìm kiếm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước; khuyến khích đầu tư trong nước và ngoài nước và có chính sách hợp lý, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. (2) Thị trường trong nước và xuất khẩu tuy có một số biến động nhưng chưa ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp Việt Nam có thế mạnh như hàng nông sản, thực phẩm, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, gốm, sứ,… ngày càng được mở rộng trong khu vực và trên thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như dệt may, giầy dép… ngày càng được nâng cao chất lượng, đa dạng hoá về chủng loại, mẫu mã và gắn với thương hiệu… (3) Chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đồng thời với chính sách đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đã khơi dậy được tiềm năng trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài, nhờ vậy đã tăng sức sản xuất, tính năng động sáng tạo và trình độ quản lý sản xuất kinh doanh của các cơ sở dẫn đến tốc độ tăng cao hơn ở cả 3 khu vực, nhất là khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
4. Đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư phát triển 9 tháng ước đạt 149,8 nghìn tỷ đồng, đạt 69,7% kế hoạch năm 2003 và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2002. Trong tổng vốn đầu tư phát triển 9 tháng, vốn Nhà nước chiếm tỷ trọng 54,9%, đạt 67,9% kế hoạch năm và tăng 5,9% so với 9 tháng 2002; vốn ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng 26,9%, đạt 69,5% kế hoạch năm và tăng 6,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng 18,22%, đạt 75,8% kế hoạch năm và tăng 13,3% so với cùng kỳ 2002.
Ước tính thực hiện vốn đầu tư phát triển năm 2003 đạt 217,5 nghìn tỷ đồng, đạt 101,2% kế hoạch năm 2003 và tăng 18,3% so với thực hiện năm 2002. Trong đó vốn Nhà nước ước đạt 101,7% kế hoạch năm và tăng 19,1% so với thực hiện năm 2002; Vốn của khu vực ngoài Nhà nước đạt 100,2% và tăng 25%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 101,1% và tăng 7,1%.
Thực hiện vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung 9 tháng đầu năm 2003 ước đạt 19,1 nghìn tỷ đồng, bằng 84,0% kế hoạch năm 2003. Trong đó các Bộ, ngành trung ương ước thực hiện được 11,1 nghìn tỷ bằng 92,7% kế hoạch năm 2003. Một số Bộ, ngành trung ương thực hiện vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung 9 tháng đầu năm 2003 đạt khá là: Bộ Giao thông Vận tải ước thực hiện đạt 98,5% kế hoạch năm 2003 và chiếm tỷ trọng 42,2% tổng số vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn Nhà nước tập trung của các Bộ, ngành trung ương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước thực hiện đạt 95,9% kế hoạch năm 2003 (kể cả vốn bổ sung thêm) và chiếm 15,6%; Uớc tính tỷ lệ thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn Nhà nước tập trung của các Bộ ngành trung ương như sau: Bộ Giáo dục Đào tạo ước đạt 80%; Bộ Y tế 75,4%; Bộ Thuỷ sản 73,7%; Bộ Công nghiệp 63,8 %, Bộ Văn hoá Thông tin 67%. Trong các Bộ, ngành khác chỉ có Bộ Xây dựng thực hiện 9 tháng đầu năm 2003 đạt tương đối thấp, ước chỉ đạt 52,5 % kế hoạch năm 2003.
Thực hiện vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước tập trung 9 tháng đầu năm 2003 của các địa phương ước đạt khoảng 8 nghìn tỷ đồng, bằng 74,2% kế hoạch năm 2003. Một số tỉnh, thành phố ước đạt từ 75% kế hoạch năm 2003 trở lên là Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Dương, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang… Trong những tỉnh, thành phố chưa đạt mức 75% có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Thanh Hoá là những tỉnh thành phố có khối lượng vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước tập trung tương đối lớn.
Dự kiến cả năm thực hiện vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước tập trung đạt 25,8 nghìn tỷ đồng, bằng 113% kế hoạch năm 2003. Trong đó ước thực hiện vốn do các Bộ, ngành trung ương quản lý đạt 14,7 nghìn tỷ đồng, bằng 122,9% kế hoạch năm; vốn do địa phương quản lý ước thực hiện 11,1 nghìn tỷ đồng đạt 103,1% kế hoạch năm.
Do kết quả đầu tư, năng lực của nhiều ngành đã được tăng thêm. Ngành giao thông, vận tải có nhiều công trình dự án đã hoàn thành đúng tiến độ như: Quốc lộ I, đoạn Đông Hà-Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương; cơ bản hoàn thành đường Xuyên Á; Quốc lộ 10 (đoạn Thái Bình- Hải Phòng), Quốc lộ 8 (đoạn Bắc Ninh-Chí Linh); đường Hồ Chí Minh (đoạn Hà Tĩnh – Ngọc Hồi); Các cầu như Tô Châu, Tạ Khoa, Bến Lức, cầu Tuần, tuyến tránh phía tây thành phố Huế, 5 cầu đường sắt Thống Nhất, 2 ga điện khí tập trung Dầu Giây và Kim Liên; cầu tàu số 1 cảng Sông Hàn, cầu tàu 2 vạn tấn cảng Nha Trang, cầu Clanhke cảng Ninh Phúc; đưa sân bay Tuy Hoà vào hoạt động và một số công trình phục vụ SEA Games 22.
Trong ngành xây dựng, công tác đầu tư phát triển nhà ở và hạ tầng đô thị đã được đẩy mạnh, tạo được sự chuyển biến trong lĩnh vực phát triển nhà ở và đô thị. Một số dự án lớn triển khai tốt như: Dự án Làng Quốc tế Thăng Long, Trung Hoà – Nhân Chính; khu nhà ở Bắc Linh Đàm, Định Công, trung tâm Chí Linh 1, Phú Hưng- Cần Thơ, Văn Quán, Pháp Vân- Tứ Hiệp, Mỹ Đình II, Nhơn Trạch…
Trong ngành thuỷ lợi, năng lực tưới, tiêu tăng hàng chục nghìn ha; diện tích ngăn mặn tăng hàng nghìn ha; diện tích trồng rừng mới tăng hàng vạn ha. Công suất ngành điện tăng trên nửa triệu MW, đường dây tải điện tăng hàng nghìn km.v.v…
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm 2003 đến 20/9/2003 đã có 476 dự án được cấp giấy phép với tổng vốn đăng ký 1194,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước số dự án tăng 1,7% và số vốn tăng 36,6%. Ngành công nghiệp có 323 dự án với tổng số vốn đăng ký là 728,9 triệu USD, chiếm 67,9% về số dự án và 61% vốn đăng ký, các ngành nông lâm nghiệp và thủy sản có 48 dự án với vốn đăng ký 94,5 triệu USD, chiếm 10,1% số dự án và 7,9% tổng số vốn đăng ký.
Các dự án tập trung vào các tỉnh, thành phố phía Nam với 338 dự án và 813,4 triệu USD, chiếm 71% về số dự án và 68,1% về vốn đăng ký, trong đó thành phố Hồ Chí Minh 134 dự án với 213,9 triệu USD; Bình Dương 90 dự án với 187,6 triệu USD; Đồng Nai 43 dự án với 117,4 triệu USD. Khu vực phía Bắc có 138 dự án với 380,9 triệu USD, trong đó Hải Phòng có 26 dự án với 95 triệu USD; Hà Nội có 44 dự án với 79,3 triệu USD .
Từ đầu năm đến 20/9/2003 đã có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp phép đầu tư tại Việt Nam, trong đó Đài Loan đứng đầu với 117 dự án và 226,7 triệu USD vốn đăng ký; Bristish Virgin Island có 21 dự án với 182,6 triệu USD; Hàn Quốc có 121 dự án với 191,2 triệu USD; Australia có 6 dự án với 107,7 triệu USD; Hồng Kông có 28 dự án với 96 triệu USD; Nhật Bản có 35 dự án với 71,1 triệu USD; Trung Quốc có 41 dự án với 63,5 triệu USD.
5. Vận tải
Vận chuyển hành khách 9 tháng 2003 ước tính đạt 653,6 triệu lượt hành khách và 29,1 tỷ lượt hành khách.km. So với cùng kỳ năm trước tăng 4,4% về lượt khách và 3,2% về lượt khách luân chuyển. Trong các ngành vận tải, vận chuyển hành khách bằng đường sắt tăng 6,8% về lượt khách và 9,6% về lượt khách luân chuyển; bằng đường bộ tăng 4,8% về lượt khách và 5,1% về lượt khách luân chuyển; vận chuyển hành khách bằng đường hàng không chỉ bằng 94,4% số lượt khách vận chuyển và bằng 92,2% số lượt hành khách luân chuyển. Nguyên nhân hành khách vận chuyển bằng hàng không đạt thấp là do khách quốc tế vào Việt Nam giảm khoảng 17% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm lượng khách vào du lịch và thăm thân nhân, do ảnh hưởng của SARS từ những tháng cuối quý I và trong quý II.
Vận chuyển hàng hoá 9 tháng ước đạt 188,7 triệu tấn và 43,1 tỷ tấn.km, tăng 6,6% về khối lượng vận chuyển và 4,1% về khối lượng luân chuyển. Trong các ngành vận tải, vận chuyển hàng hoá bằng đường biển chỉ tăng 3,2% về tấn và 2,9% về tấn.km. Tuy vận tải hàng hoá bằng đường biển 9 tháng tăng thấp, do ảnh hưởng của vận tải trên tuyến Trung Đông từ những quý trước, nhưng xu hướng đã khá hơn do đã mở thêm được một số tuyến vận tải mới như đi Cu Ba và châu Phi.
Nhìn chung, 9 tháng qua ngành vận tải đã đáp ứng được nhu cầu về vận chuyển hàng hoá của nền kinh tế và đi lại của nhân dân. Ngành đường sắt đã đưa đoàn tàu kéo đẩy vào khai thác trên tuyến Hà Nội- Lào Cai, phục vụ tốt hơn các đợt cao điểm như du lịch mùa hè và các đợt thi đại học, cao đẳng. Ngành hàng không nâng cao chất lượng dịch vụ; triển khai đường bay thẳng Hà Nội- Pháp, mở thêm đường bay Hà Nội- Xiêm Riệp, thành phố Hồ Chí Minh- Fukuoka (Nhật Bản), thành phố Hồ Chí Minh- Tuy Hoà. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh số người đi xe buýt tiếp tục tăng, đồng thời tình hình trật tự an toàn giao thông cũng ngày càng tốt hơn.
6. Thương mại, giá cả và du lịch
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội 9 tháng năm 2003 ước tính đạt 227,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2002. Trong đó khu vực kinh tế Nhà nước đạt 38,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7%; khu vực kinh tế tập thể tăng 23,8%; khu vực kinh tế cá thể đạt 146,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 64,6%), tăng 9,8%; khu vực kinh tế tư nhân đạt 36,1 nghìn tỷ đồng, tăng 23%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4%. Trong các ngành kinh doanh, trừ ngành du lịch doanh thu giảm 11,4% (do ảnh hưởng của dịch SARS) còn các ngành khác đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước: Thương nghiệp (chiếm 81,1%) tăng 11,4%; khách sạn, nhà hàng tăng 13,6%; dịch vụ tăng 16,4%. Những tháng cuối năm, tình hình kinh doanh có thể sôi động hơn và SEAGAME 22 sẽ diễn ra vào đầu tháng 12, nên ước tính tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội cả năm 2003 sẽ tăng khoảng 12% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực kinh tế cá thể tăng khoảng 10,5-11%; khu vực kinh tế tư nhân tăng khoảng 20% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7%.
Giá tiêu dùng tháng 9/2003 ổn định, chỉ tăng 0,1% so với tháng trước. Trong đó, nhóm dược phẩm, y tế tăng 2,7%; giáo dục tăng 2,0% (do nhu cầu tăng vào đầu năm học mới); may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,2%; riêng nhóm lương thực, thực phẩm giảm 0,1% (lương thực bằng mức giá tháng 8, thực phẩm giảm 0,2%).
So với tháng 12/2002, giá tiêu dùng tháng 9/2003 tăng 1,8% với hầu hết các nhóm hàng hoá và dịch vụ chủ yếu đều tăng, trong đó nhóm lương thực, thực phẩm tăng 0,8% (lương thực giảm 2,3% và thực phẩm tăng 2%); dược phẩm, y tế tăng tới 17,4%; giáo dục tăng 3,3%; nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 3,0%; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,3%; phương tiện đi lại, bưu điện tăng 1,7%; riêng nhóm văn hoá, thể thao, giải trí giảm 1,1%.
Xu hướng giá tiêu dùng các tháng trong quý IV năm nay sẽ tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng lên vào các tháng cuối năm, dự kiến giá tiêu dùng cả năm sẽ tăng ở mức từ 2,5-3% so với tháng 12 năm 2002.
Giá vàng tháng 9/2003 tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 13,2% so với tháng 12/2002; tương ứng giá đô la Mỹ tăng 0,1% và tăng 1,0%.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2003 ước tính đạt trên 14,9 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu 7,4 tỷ USD, tăng 15,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (Kể cả dầu thô) xuất khẩu 7,5 tỷ USD (chiếm 50,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 36,2%. Hầu hết các mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2002. Kim ngạch xuất khẩu dầu thô ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 23,7% (lượng xuất khẩu chỉ tăng 2,8%) và đóng góp vào mức tăng xuất khẩu chung là 18,1%; hàng dệt, may xuất khẩu trên 2,9 tỷ USD tăng 53,1% và đóng góp 34%; giày dép tăng 24,4% và đóng góp 11%; cà phê tăng 57,5% (lượng xuất khẩu giảm 7,8%) và đóng góp 4,2%; cao su tăng 39,6% (lượng xuất khẩu giảm 3,3%) điện tử, máy tính tăng 37,3%; sản phẩm gỗ tăng 38,6%; dây điện và dây cáp điện tăng 57,7%; xe đạp và phụ tùng xe đạp tăng 28,6%; hạt điều tăng 32,3% (lượng tăng 34,7%). Riêng mặt hàng rau quả giảm 24,2% và chè giảm 40,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt cao là do: (1) Kinh tế thế giới đã phục hồi, nhu cầu tăng; mặt khác giá xuất khẩu cũng tăng lên so với cùng kỳ 2002 (giá xuất khẩu tăng bình quân tăng 5,4%); (2) Nền kinh tế nước ta tăng trưởng khá và ổn định tạo tiền đề tăng xuất khẩu; (3) Chính phủ và các cơ cơ quan chức năng đã chỉ đạo sát sao hoạt động xuất khẩu; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc lớn; khuyến khích thưởng xuất khẩu; hỗ trợ xúc tiến thương mại được chú trọng hơn cùng với sự năng động của các doanh nghiệp nên thị trường hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng đặc biệt là thị trường Mỹ và EU.
Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước tính đạt gần 18 tỷ USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2002, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu trên 11,7 tỷ USD, tăng 28,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu gần 6,3 tỷ USD, tăng 33,5%. Kim ngạch nhập khẩu tăng cao ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu. Một số mặt hàng quan trọng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và cho sản xuất hàng xuất khẩu đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu gần 3,8 tỷ USD, tăng 40,4% và đóng góp vào tăng nhập khẩu chung là 26,3%; xăng dầu nhập khẩu gần 1,8 tỷ USD, tăng 21,3% (lượng nhập giảm 1,3%) và đóng góp 7,5%; sắt thép nhập trên 1,2 tỷ USD, tăng 32% (lượng nhập giảm 5,9%) và đóng góp 7,3%; nguyên phụ liệu dệt, may, da nhập trên 1,4 tỷ USD tăng 20,9% và đóng góp 6%; điện tử, máy tính tăng 44,9%; vải tăng 41,1%; phân bón tăng 25,5%; hoá chất tăng 26,6%; chất dẻo tăng 24,7% (lượng nhập chỉ tăng có 7%); sản phẩm hoá chất tăng 23,4%; ô tô và phụ tùng ô tô tăng 42,9%.
Nhập siêu 9 tháng khoảng 3 tỷ USD (bằng 20,4% kim ngạch xuất khẩu), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,3 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu khoảng 1,3 tỷ USD. So với các năm trước nhập siêu 9 tháng tương đối cao nhưng tốc độ nhập siêu có xu hướng giảm dần, mức nhập siêu 9 tháng bằng 20,4% kim ngạch xuất khẩu, giảm nhiều so với tỷ lệ 24,2% của 6 tháng đầu năm. Tuy nhập siêu cao, nhưng chủ yếu do nhập khẩu tư liệu sản xuất (chiếm tỷ trọng 93,7% kim ngạch nhập khẩu) tăng tới 31,6% so với cùng kỳ năm trước; giá nhập khẩu một số mặt hàng tăng cao và tốc độ tăng giá nhập khẩu cao hơn tốc độ tăng giá xuất khẩu.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bắt đầu phục hồi trở lại từ tháng 7 sau dịch SARS, tháng 9 đã tăng 8,6% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 1631,1 nghìn lượt người, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2002, trong đó khách đến với mục đích du lịch là 785,6 nghìn lượt người, giảm tới 28%; thăm thân nhân 284 nghìn lượt người, giảm 14,3%; khách đến vì công việc chỉ giảm 0,6% và đến vì mục đích khác tăng 6,3%.
7. Một số vấn đề xã hội
a. Đời sống dân cư
Do sản xuất phát triển và giá cả ổn định nên nhìn chung đời sống dân cư 9 tháng tiếp tục được cải thiện. Ở nông thôn, nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hưởng lợi từ các công trình đầu tư, các chính sách phát triển vùng, miền của Nhà nước đời sống dân cư ngày càng khá hơn. Mặt khác, do sản lượng nhiều loại cây trồng tăng lên đồng thời giá một số nông sản và thực phẩm, nhất là nông sản xuất khẩu tăng, nên người dân có điều kiện đầu tư thêm cho sản xuất và cải thiện đời sống. Tình trạng thiếu đói tuy còn xảy ra nhưng trên phạm vi hẹp. Mặc dù bị ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong những tháng cuối năm 2002 nhưng tình trạng thiếu đói 9 tháng năm nay đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của các địa phương, 9 tháng năm 2003, có 1235,3 nghìn lượt hộ với 5554 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói, giảm 2,7% số hộ và giảm 4,6% số nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Để giúp các hộ thiếu đói khắc phục khó khăn, từ đầu năm đến 18/9/2003, các cấp, các ngành và các địa phương đã hỗ trợ cho các hộ thiếu đói gần 7 nghìn tấn lương thực và 12,5 tỷ đồng.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ các đối tượng chính sách và giúp đỡ người nghèo được các cấp, các ngành tham gia, hưởng ứng tích cực. Hiện nay, cả nước có 6882 xã, phường được công nhận đã đạt 6 tiêu chuẩn về công tác chăm sóc thương binh, liệt sỹ, trong đó năm 2003 là 630 xã, phường. Công tác xây dựng, trao tặng nhà tình nghĩa, tình thương; tặng thẻ bảo hiểm y tế; tặng quà, thăm hỏi, động viên trong dịp lễ, tết được các cấp, các ngành tích cực triển khai. Nông dân ở một số tỉnh miền núi, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long được giúp đỡ về giống, vốn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Các hộ nghèo, đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số đã được trợ giá một số mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống.
b. Tình hình dịch bệnh
Theo báo của các tỉnh, thành phố, trong tháng có 11 nghìn người bị sốt rét, giảm 21,4% so với tháng trước; 3,2 nghìn người bị sốt xuất huyết, tăng 22,1%. Tính từ đầu năm đến 19/9/2003 có 101,6 nghìn lượt người bị sốt rét, trong đó chết 26 người và 22,7 nghìn lượt người bị sốt xuất huyết, trong đó có 43 người đã tử vong.
Về tình hình nhiễm HIV/AIDS, trong tháng 9 đã phát hiện thêm 1450 trường hợp nhiễm HIV nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước đến ngày 19/9/2003 lên 71,5 nghìn người, trong đó trên 10,9 nghìn bệnh nhân AIDS và 6,1 nghìn người đã chết do AIDS.
Trong tháng 9 cũng đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 24 trường hợp bị ngộ độc, đưa số người bị ngộ độc thực phẩm từ đầu năm đến nay lên 2,7 nghìn người, trong đó 28 người đã tử vong.
c. Văn hoá, thông tin, thể dục thể thao
Hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của cả nước và đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân. Trong 9 tháng năm 2003, các hoạt động được hướng vào kỷ niệm các ngày lễ lớn và tuyên truyền cho SEA Games 22. Trong đợt kỷ niệm 58 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các tỉnh, thành phố đều tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ với chủ đề ca ngợi đất nước, con người Việt Nam, ca ngợi Đảng và Bác Hồ. Trong tháng 8, tại Đắk Lắk đã diễn ra lễ hội “Những ngày văn hoá Hà Nội tại Tây Nguyên” với sự có mặt của 240 cán bộ, diễn viên, nghệ sỹ, đã để lại tình cảm sâu đậm trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Công tác tuyên truyền cho SEA Games 22 được tiến hành ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và hầu hết các địa phương, nhất là những nơi có tổ chức thi đấu. Công tác phát thanh, truyền hình được đẩy mạnh, đảm bảo thời lượng phát sóng và nâng cao chất lượng của các chương trình. Qua 9 tháng, số giờ chương trình phát thanh là 41,2 nghìn giờ và số giờ phát sóng là 231 nghìn giờ. Số giờ chương trình truyền hình là 27,5 nghìn giờ và số giờ phát sóng là 300 nghìn giờ.
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều địa phương đã có những hoạt động thiết thực nhằm đưa phong trào có những bước phát triển mới, thường xuyên chú trọng việc công nhận và tái công nhận các gia đình văn hoá, làng, ấp, khu dân cư văn hoá.
Trong lĩnh vực xuất bản, ước tính đến cuối tháng 9/2003 tổng số sách xuất bản đạt khoảng 165 triệu bản, trong đó đã hoàn thành sớm việc xuất bản sách giáo khoa, đáp ứng được nhu cầu của các cấp học. Công ty Phát hành sách các tỉnh đã kết hợp tốt với chính quyền và các đoàn thể đưa sách đến phục vụ đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa với nhiều hình thức như bán giảm giá, tặng sách cho đồng bào nghèo.
Công tác thanh tra, kiểm tra văn hoá được tiến hành thường xuyên. Đến nay, thanh tra ngành đã tiến hành kiểm tra và thu giữ gần 50 nghìn băng hình, 360 nghìn đĩa; 130 nghìn bản văn hoá phẩm; 400 tivi, đầu video và máy đánh bạc; tháo dỡ gần 3 nghìn biển quảng cáo không hợp lệ…
Hoạt động thể dục, thể thao diễn ra sôi động trên khắp cả nước. Từ đầu năm đến nay ngành thể dục thể thao đã chỉ đạo toàn ngành tổ chức tốt các hoạt động thể dục thể thao gắn với những ngày lễ lớn và đặc biệt là hướng tới SEA Games 22 và PARA Games 2. Các hoạt động thể dục thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở các địa phương. Uỷ ban Thể dục Thể thao tiếp tục triển khai giai đoạn 2 chương trình phổ cập bơi lội và phòng chống tai nạn cho trẻ em; tổ chức thành công Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số miền núi toàn quốc lần thứ III khu vực I tại tỉnh Lào Cai. Trong thể thao thành tích cao, đã tập trung lực lượng và nguồn lực cho SEA Games 22; tăng cường đầu tư trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y học và hồi phục, chữa trị chấn thương đối với các vận động viên trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 22. Tính tới tháng 9/2003, chúng ta đã cơ bản xác định được thành phần các đội tuyển tham dự SEA Games 22. Lực lượng vận động viên tham dự SEA Games 22 đã sẵn sàng với hơn 1 nghìn vận động viên, 152 huấn luyện viên và 48 chuyên gia nước ngoài của 32 đội tuyển.
Các công tác chuẩn bị cho SEA Games 22 và PARA Games 2: Về cơ sở vật chất, tính đến thời điểm hiện nay, tất cả các công trình, dự án trực tiếp phục vụ tổ chức SEA Games 22 và PARA Games 2 đã cơ bản hoàn thành và có thời gian để vận hành thử. Hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh. Uỷ ban Thể dục Thể thao đã phối hợp với Bộ Văn hoá – Thông tin, Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền như dựng panô, áp phích, khẩu hiệu, biểu ngữ tuyên truyền trên đường phố, nơi tập trung đông dân cư, cửa ngõ vào thành phố, trên báo chí, phát thanh, truyền hình. Công tác hậu cần và dịch vụ công cộng đến nay đã xây dựng xong phương án về nơi ăn, ở cho các đoàn thể thao tham gia Đại hội. Công tác giao thông được Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Công chính các tỉnh, thành phố xây dựng phương án chi tiết về đảm bảo an toàn, trật tự giao thông và tổ chức phương tiện đưa đón các đoàn về dự Đại hội. Công tác tuyển chọn tình nguyện viên được Uỷ ban Thể dục Thể thao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiến hành và đến nay đã đào tạo được trên 5 nghìn tình nguyện viên ở Hà Nội và các tỉnh có tổ chức các môn thi đấu. Các công tác khác như lễ tân, y tế- kiểm tra doping, khai mạc- bế mạc, an ninh, tài chính và vận động tài trợ đều có các phương án chi tiết và đến nay một số công việc bước đầu triển khai đạt kết quả tốt.
d. Giáo dục và đào tạo
Năm học 2002-2003 cả nước có 1769 nghìn học sinh tốt nghiệp bậc tiểu học, đạt tỷ lệ tốt nghiệp 99,6%; 1278,5 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, đạt tỷ lệ 96,3% và 687,6 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, đạt tỷ lệ 92,1%. So với năm học trước, tỷ lệ tốt nghiệp của bậc tiểu học năm nay cao hơn 0,2%; trung học phổ thông cao hơn 2,3%. Riêng tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở thấp hơn 0,6%.
Năm học 2002-2003 cũng là năm đầu tiên thực hiện chương trình học và sách giáo khoa mới ở lớp 1 và lớp 6. Theo báo báo của các địa phương, kết quả kiểm tra chất lượng cuối năm học ở cả lớp 1 và lớp 6 đều khá cao. Tỷ lệ học sinh đạt loại khá và giỏi trên phạm vi cả nước ở lớp 1 đối với môn Toán trên 73% và Tiếng Việt trên 70%; ở lớp 6 là trên 36% chung cho các môn học. Tuy nhiên, ở một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa thì tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi thấp; tỷ lệ học sinh chưa đạt yêu cầu còn cao. Trong sách giáo khoa mới còn một số tồn tại như in sai, cách trình bày, minh hoạ, mầu sắc chưa hợp lý, những tồn tại này đã được phát hiện và sửa chữa.
Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, thành phố, năm học 2003-2004 cả nước có khoảng 2,6 triệu trẻ em từ 0-5 tuổi đến lớp, tăng 2,1% so với năm học trước; 8,6 triệu học sinh tiểu học, giảm 3,7%; 6,6 triệu học sinh trung học cơ sở, tăng 1,4% và gần 2,6 triệu học sinh trung học phổ thông, tăng 4,5%. Số học sinh tốt nghiệp tiểu học tiếp tục học lên trung học cơ sở là 1,76 triệu em; số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lên trung học phổ thông khoảng 1 triệu em.
Do công tác chuẩn bị tốt, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2003 đã diễn ra trong trật tự, an toàn, đúng qui chế, bước đầu thực hiện tốt nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, tiếp tục hoàn thiện giải pháp “3 chung” là thi chung đợt, dùng chung đề và sử dụng chung kết quả thi. Việc hình thành các cụm thi ở Vinh, Cần Thơ và Qui Nhơn đã làm giảm đáng kể số lượng thí sinh dự thi tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đề thi năm nay được đánh giá không quá dài, bám sát kiến thức cơ bản của chương trình trung học phổ thông, đồng thời đã đáp ứng yêu cầu phân loại học sinh. Trong kỳ thi năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết tâm thực hiện việc lập lại trật tự, kỷ cương và sự công bằng trong công tác tuyển sinh, đồng thời kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực như mang tài liệu vào phòng thi, hiện tượng thi hộ; phối hợp cùng ngành Công an ngăn chặn tình trạng in bán “phao” thi, đấu tranh triệt phá các đường dây thi hộ có tổ chức, khiến cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc và được nhân dân tin tưởng, đồng tình và ủng hộ
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi nguyện vọng 1 vào các trường đại học, cao đẳng là gần 1,5 triệu lượt người, trong đó đại học là 1173,8 nghìn lượt người, giảm 8% so với năm 2002; số lượt thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 vào các trường đại học, cao đẳng là 1164,5 nghìn người. Số thí sinh dự thi trong 2 đợt thi là 943,4 nghìn lượt người, đạt 80,3% số thí sinh đăng ký, trong đó số thí sinh thi đợt 1 là 466,4 nghìn người, đạt 81,1%; đợt 2 là 477 nghìn người, đạt 79,6%. Số thí sinh bị xử lý kỷ luật trong cả 2 đợt thi là 3985 thí sinh, trong đó số bị đình chỉ thi là 3348 trường hợp và phát hiện và xử lý tại chỗ 10 cặp thi hộ.
e. Tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông trong tháng 8 giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Trong tháng 8/2003 trên phạm vi cả nước đã xảy ra 1636 vụ tai nạn làm chết 952 người và làm bị thương 1601 người. Tính chung 8 tháng, trong cả nước xảy ra 14,3 nghìn vụ tai nạn giao thông làm chết 7,9 nghìn người và làm bị thương 14,5 nghìn người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông 8 tháng năm nay giảm 30%; số người chết giảm 4,2% và số người bị thương giảm 37%. Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có sự chuyển biến đáng kể. Ý thức chấp hành luật giao thông đã tốt hơn; tình trạng đua xe trái phép đã được ngăn chặn; ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn giảm; tai nạn giao thông giảm mạnh, nhất là tai nạn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông xảy ra vẫn còn ở mức cao, bình quân 1 ngày trong 8 tháng năm nay xảy ra 59 vụ tai nạn, làm chết 33 người và làm bị thương 60 người. Tình trạng vi phạm luật giao thông xảy ra còn tương đối nhiều; tai nạn giao thông đường sắt, đường thuỷ có xu hướng tăng lên.
f. Thiệt hại thiện tai
Từ đầu năm đến nay đã xảy ra bão, lốc, lũ ống, lũ quét, mưa to, mưa đá, sạt lở đất tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước gây thiệt hại về người và tài sản. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, trong 9 tháng năm 2003 thiên tai đã làm 85 người chết, 178 người bị thương và 13 người mất tích; gần 1 nghìn cống, phai đập bị phá huỷ; 8,8 km đê, kè bị sạt lở, cuốn trôi; trên 10 vạn ha lúa, màu bị ngập, úng, hư hại, trong đó gần 20 nghìn ha lúa bị mất trắng. Thiên tai còn làm 2,6 nghìn ngôi nhà và 189 phòng học bị sập đổ, bị cuốn trôi và hàng nghìn công trình kinh tế- xã hội bị hư hại, ảnh hưỏng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 520 tỷ đồng.

TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Source: https://vh2.com.vn
Category : Startup