Networks Business Online Việt Nam & International VH2

Nguyễn Trần Sâm – LỤC ĐỊA GIÀ |

Đăng ngày 27 October, 2022 bởi admin

chau_au_1923_500

Vào thế kỷ XV, châu Âu thay thế vùng Cận Đông để trở thành trung tâm văn minh của thế giới. Đây là giai đoạn đầu của thời kỳ Phục Hưng, khi có sự bùng phát của những luồng tư tưởng mới trong mọi lĩnh vực tri thức.
Trong thế kỷ này, người Âu đã biết đóng các loại tàu buồm có thể vượt đại dương. Khả năng đi đến được các châu lục khác cộng với ham muốn tìm những nguồn tài nguyên để phục vụ các nhu cầu sống và để làm giàu đã thúc đẩy hàng ngàn người lên tàu và lênh đênh nhiều tháng trời để tìm đến những miền đất mới.
Đặc biệt, từ khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ (mà lúc đầu ông tưởng là Ấn Độ), những đoàn người đổ đến nơi này ngày càng đông. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng nhiều nhất vẫn là từ châu Âu. Trong số đó, nhiều người đã ở hẳn lại miền đất mới để sinh cơ lập nghiệp, tạo lập nên quốc gia mới với thể chế tiến bộ hơn, thông thoáng hơn so với chốn cố hương. Từ đó xuất hiện tên gọi Tân Thế Giới để phân biệt với Cựu Thế Giới vốn là nơi họ bỏ lại phía sau.
Đến thế kỷ XVIII thì tại nơi mà ngày nay là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã có xu hướng hình thành một quốc gia. Những tổ chức nhà nước của nhóm người chiếm đa số trong đám di dân đã sống một vài đời ở đó, tức là của người gốc Anh, ban đầu còn phụ thuộc Anh Quốc và trung thành với Hoàng Gia Anh. Tuy nhiên, sự lớn mạnh nhanh chóng và ý thức độc lập của các thành viên cuối cùng đã dẫn đến cuộc chiến dành độc lập và sự hình thành nhà nước Hoa Kỳ.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và bản lĩnh vô song của những con người dám chấp nhận cái chết trong những cuộc phiêu lưu để đi tìm và tạo lập cuộc sống mới, Hoa Kỳ nhanh chóng trở thành quốc gia hùng mạnh. Đến cuối thế kỷ XIX thì nó trở thành siêu cường số 1 thế giới, và trong thế kỷ XX nó đã có vai trò hàng đầu trong việc định đoạt đường hướng phát triển của nhân loại.
Cùng với Hoa Kỳ, trên khắp châu Mỹ và một vài vùng đất khác trên thế giới cũng đã xuất hiện nhiều quốc gia mới, hầu hết có sức sống mãnh liệt và phát triển ngoạn mục.
Châu Âu trở thành Lục Địa Già. Không ít người nhớ đến nó với sự ái ngại. Dường như nó trở thành một nơi không còn có cái gì thu hút đặc biệt nữa.
*
Quả vậy, châu Âu ít nhất là trở thành một nơi “trầm lắng”.
Ở đây không có những tỉ phú giàu hạng nhất thế giới. Ở đây không có những cao ốc chọc trời. Hiếm có những khu công nghiệp sầm uất với máy móc ầm ầm chuyển động, nhất là gần khu dân cư. Hiếm nơi có những đường phố đông nghẹt xe. Tăng trưởng kinh tế của các quốc gia cũng rất khiêm tốn, từ 0 đến vài phần trăm. Làng xã thì vẫn như bao đời nay, những ngôi nhà vừa đủ ở, nép mình im ắng dưới những lùm cây. Nhiều nơi, ngay cả thành phố cũng cứ như những dãy nhà trong rừng vậy. Những ngôi nhà mới khiêm tốn xen lẫn với những pháo đài cổ kính có từ nhiều thế kỷ.
Nhưng ẩn phía sau sự “trầm lắng” của châu Âu không phải là sự thủ cựu, trì trệ hay sự thiếu vắng năng lực bứt phá. Thực ra, sự trầm lắng bề mặt của nơi này gắn liền với sự uyên thâm trong nhận thức của những chủ nhân của nó về cuộc sống và về thế giới.
Châu Âu trong nhiều thế kỷ vốn là cái nôi của tư duy khoa học và triết học, là nơi đẻ ra hàng trăm học thuyết sâu sắc về nhân sinh quan và thế giới quan. Những luồng tư tưởng sâu sắc đó giúp cả xã hội định hướng đúng trong cuộc sống. Họ hiểu được cuộc sống của họ cần có những gì và làm thế nào để có những thứ đó.
Cuộc sống ở châu Âu không thể hiện sự sôi động trên bề mặt, bởi nó không chạy theo những giá trị nhất thời. Nó có thiên hướng quan tâm tới những giá trị chung cho cuộc sống, và do đó có thể không thật “thời thượng”, nhưng cũng không bao giờ lạc hậu.
Người châu Âu thừa hiểu: Muốn xã hội phát triển thì phải có sự cạnh tranh. Một cơ thế thủ tiêu cạnh tranh là một cơ chế phản động, tất yếu dẫn đến suy thoái và tan rã. Nhưng người châu Âu còn hiểu được một điều lớn lao hơn thế: Con người nhân văn sẽ không cảm thấy hạnh phúc, nếu để cho sự cạnh tranh đẩy những kẻ yếu vào cảnh bất hạnh. Con người chân chính không đang tâm hưởng sung sướng khi thấy quanh mình những người đói khổ. Mặt khác, xã hội có quá nhiều người đói khổ sẽ không thể giữ được sự ổn định lâu dài; các tệ nạn xã hội sớm muộn gì cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến mọi tầng lớp. Vì vậy, nhà nước phải duy trì một hệ thống hoạt động nhân đạo hoạt động hữu hiệu và hợp lý. Cân đối được sự cạnh tranh và hoạt động nhân đạo là bài toán cực khó. Nó cần được cả xã hội tham gia giải thường xuyên. Về cơ bản châu Âu đã và đang làm được việc này.
Xét riêng về sự cạnh tranh thì châu Âu thua Hoa Kỳ. Một số người bạn của tôi làm việc ở cả châu Âu và Mỹ cũng nhận xét như vậy. Tôi cũng được biết rằng nếu ở Mỹ những trường đại học hàng đầu là đại học tư thục (như Harvard chẳng hạn) thì ở châu Âu đó là những trường công, được cấp kinh phí chủ yếu bởi nhà nước. Ở một nước mà ý thức con người kém thì lực lượng nghiên cứu trong các trường đại học công lập sẽ chỉ vẽ ra những trò vô bổ. Trong khi đó, đội ngũ các nhà khoa học châu Âu vẫn làm được những việc ngang tầm với các đồng nghiệp Mỹ. Điều này cho thấy nhận thức của con người trong xã hội châu Âu đã được nâng lên tầm rất cao. (Tất nhiên, tôi cũng được nghe nói rằng ngay trong giới khoa học châu Âu vẫn có những kẻ dựa dẫm mà rất khó đào thải.)
Nghiêm túc mà nói thì Hoa Kỳ trong thế kỷ XX đã đạt được những thành tựu vĩ đại về kinh tế và khoa học – kỹ thuật mà châu Âu cũng phải thua. Tuy nhiên, có vẻ như trong xã hội Mỹ tỉ lệ những người có ý thức cộng đồng chưa cao như ở Tây và Bắc Âu. Việc có nhiều tầng lớp không ủng hộ hệ thống an sinh kiểu “Obamacare” là một thí dụ cho thấy điều đó.
Sống trong xã hội châu Âu và quan sát, suy ngẫm, có thể nhận ra nét chính trong đặc tính của con người nơi đây là đạo đức. Một thứ đạo đức không được thể hiện bởi những từ ngữ hoa mỹ hay những việc làm cốt để lấy lòng nhau trong khi không có tình cảm thực sự. Một thứ đạo đức được thể hiện bởi việc làm, bởi sự thực hiện bổn phận của mỗi cá nhân trước cộng đồng. Sự chịu đựng và bao dung của đa số dân châu Âu đối với những hành vi gây nhức nhối của một bộ phận không nhỏ dân nhập cư càng thể hiện rõ tính đạo đức và tính nhân văn đáng phục của con người nơi đây.
Ngày nay, ở châu Âu, bạn chỉ cần có một việc làm ổn định và biết cách xử sự đúng với người trong gia đình thì bạn sẽ có tất cả những điều cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc. Nhà nước và xã hội tạo ra gần như mọi thứ để mỗi con người đều có cuộc sống như vây.
Nếu ai đó thích một cuộc đời làm ít hưởng nhiều, thích những cuộc lễ lạt xô bồ, thích rải và thu “phong bì”, thích những thứ khoa trương “hoành tráng” thì sẽ khó tìm được sự thỏa mãn ở nơi này.
Tất nhiên, châu Âu cũng có những vấn đề của nó, trong đó có cả những nan đề. Xã hội vẫn còn những người bất hạnh và không có khả năng hòa nhập, nhất là trong số dân nhập cư. Nhưng trong những ngày này, khi nước Mỹ đang rút lui khỏi vai trò đầu tàu vốn có trong hơn một thế kỷ qua, châu Âu vẫn đang là niềm hy vọng của nhiều tầng lớp người trên thế giới.
Hy vọng ở đây không có nghĩa là trông chờ họ mang lợi lộc đến cho các dân tộc khác. Đơn giản là để có niềm tin rằng trên mặt đất này có thể xây dựng được một xã hội mà trong đó con người sống với nhau trong hạnh phúc và yêu thương, và mỗi người đều thực hiện tốt bổn phận của mình trước xã hội.

NGUYỄN TRẦN SÂM

 

Advertisement

Source: https://vh2.com.vn
Category : Trái Đất