(ĐTCK) – Trước những ồn ào và tình trạng có phần hỗn loạn tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên lần 2 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) diễn ra vừa qua, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Ngô Thanh Tùng, Thành viên HĐQT Eximbank và cũng là thành viên Chủ tọa đoàn Đại hội, để giúp nhà đầu tư, cổ đông có cái nhìn rõ hơn về bức tranh tại Eximbank hiện nay. |
|
Ông Ngô Thanh Tùng
|
ĐHCĐ thường niên lần 2 của Eximbank có kết quả không như mong đợi khi phải hủy vào phút chót. Theo ông, nguyên nhân do đâu? |
Như các bạn đã thấy, nguyên nhân khách quan là phải trả lại hội trường khách sạn để đón Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama theo yêu cầu của bên an ninh. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do có một nhóm cổ đông quá khích đã cố tình gây rối để Đại hội không thể thành công. Đại hội liên tục bị gián đoạn bởi những hành vi gây rối này. |
Nhóm đã đề nghị đưa thành viên của mình vào ban kiểm phiếu và Chủ toạ đoàn cũng đã chấp nhận, bảo đảm sự dân chủ và minh bạch. Tuy nhiên, các thành viên trong ban kiểm phiếu của nhóm người này đã cố tình không hợp tác với các thành viên khác trong việc kiểm phiếu, cố tình phá hoại sự thành công của Đại hội. |
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, như các bạn thấy, chúng tôi đã thể hiện sự ôn hoà và chuyên nghiệp, nhằm bảo vệ hình ảnh của Eximbank. Tuy nhiên, các bạn có thể hiểu rằng, nếu một bên muốn gây rối và tìm mọi cách để phá bĩnh, thì dù có nỗ lực cũng khó tạo nên sự thành công của Đại hội. |
|
Ngoài yếu tố khách quan, không ít ý kiến cho rằng, chính các nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng khó tìm được tiếng nói chung dẫn đến tình trạng trên, thưa ông? |
Các cổ đông có thể chưa đồng thuận hoàn toàn về mục tiêu, phương pháp và tầm nhìn để quản trị ngân hàng. Tuy nhiên, cho dù có bất kỳ sự khác biệt nào, các nhóm cổ đông quá khích cũng nên hiểu rằng, mục tiêu lớn nhất phải là vì lợi ích của Eximbank. Vì vậy, không nên có những hành vi gây tổn hại đến chính tài sản của mình, cũng như tài sản của các cổ đông khác. |
Trong văn hoá doanh nghiệp, các quan điểm khác biệt nên được bày tỏ một các ôn hòa và văn minh, đặc biệt không nên tấn công người khác một cách không trung thực hoặc mang tính ác ý. Nếu điều này tiếp diễn, Eximbank sẽ đánh mất niềm tin nơi công chúng, nhà đầu tư và cổ đông…, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ nghĩ thế nào về những doanh nhân Việt và văn hoá Việt. |
Lịch sử Eximbank chưa từng chứng kiến một ĐHCĐ thường niên nào như ĐHCĐ thường niên lần hai vừa qua. Sự bức xúc, hỗn loạn của một nhóm cổ đông khiến nhiều người liên tưởng rằng, tại Eximbank đang công khai diễn ra cuộc đấu tranh quyền lực. Ông nghĩ sao về điều này và với vai trò của một thành viên HĐQT đương nhiệm, ông có nhắn nhủ gì để các cổ đông yên tâm? |
Theo tôi, nếu nói một số cổ đông Eximbank đang tranh giành quyền lực là không công bằng với tất cả các cổ đông khác. Bởi đa số các cổ đông đều ôn hoà và muốn Eximbank ổn định, để tiến tới xây dựng Ngân hàng một cách chuyên nghiệp nhất. |
Còn nhận xét về HĐQT đương nhiệm của Eximbank, với 9 thành viên như hiện tại, chúng tôi mới làm việc với nhau được 5 tháng, chưa đủ trải nghiệm để nhận định. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng, HĐQT hiện tại cam kết cải cách và minh bạch hoạt động của Eximbank. Trong quá trình làm việc, các thành viên HĐQT đều rất nỗ lực, trong bối cảnh Ngân hàng vẫn còn ngổn ngang với những tồn đọng, cũng như nhưng ý kiến thiếu tính xây dựng của các nhóm cổ đông. Nhận trách nhiệm quản trị ngân hàng thời điểm này là một thách thức lớn, vì vậy, HĐQT cần được cổ vũ và tạo điều kiện hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ. |
Về việc nhắn nhủ cổ đông, theo quan điểm của tôi (tôi không giám đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư), Eximbank là ngân hàng lâu đời ở Việt Nam, có nền tảng tốt và nhiều nhân sự kinh nghiệm, tương lai của Ngân hàng chắc chắn sẽ tốt, về dài hạn, nếu cải thiện được tư duy và phương pháp quản trị. |
Có thông tin rằng, sở dĩ 2 nhóm cổ đông nắm giữ 20% vốn của Eximbank chưa tham gia được vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới như Nghị quyết ĐHCĐ bất thường được đưa ra cuối năm 2015 là do HĐQT đương nhiệm không muốn có sự góp mặt của họ, ông giải thích sao về điều này? |
HĐQT về bản chất là người làm thuê cho các cổ đông nhằm bảo vệ lợi ích tối cao của Ngân hàng. HĐQT đương nhiệm ý thức rõ điều này, nên tất cả các quyết định đều phải được đưa ra theo tôn chỉ lợi ích này. |
Do vậy, không có chuyện HĐQT đương nhiệm muốn hay không muốn sự tham gia của bất kỳ nhóm cổ đông nào. Tất cả các quyết định của HĐQT phải phù hợp với các quy định của pháp luật và điều lệ của Ngân hàng. Mọi hoạt động của HĐQT đều chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, nhằm góp phần đảm bảo sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam. |
Ngoài ra, trên thị trường còn xuất hiện thông tin có một nhóm cổ đông đang thực hiện “mua phiếu bầu” bằng nhiều cách khác nhau trước khi Đại hội diễn ra. Thực hư về việc này ra sao và HĐQT Ngân hàng đã có động thái gì? |
Chúng tôi cho rằng, đây là việc của các cơ quan chức năng, chứ không phải là của HĐQT hay Ban điều hành đương nhiệm của Ngân hàng. Nhiệm vụ ưu tiên hiện tại là ổn định và giải quyết các vấn đề tồn đọng, tái cơ cấu Ngân hàng nhằm đưa Eximbank trở lại quỹ đạo phát triển bền vững. |
Các cổ đông còn chia sẻ quan ngại việc Nam Á Bank sẽ thâu tóm Eximbank như thông tin xuất hiện trên thị trường thời gian qua. Sự quan ngại này dựa trên cơ sở bà Nguyễn Thị Xuân Loan (đại diện cho nhóm cổ đông trên 10% vốn cổ phần Eximbank), nguyên là Chủ tịch HĐQT Nam A Bank, em gái ông Nguyễn Quốc Toàn, người vừa trở lại nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT Nam A Bank, ông có bình luận gì về điều này? |
Chúng tôi cũng có nghe về những quan ngại đó. Tuy nhiên, việc đúng-sai hoặc thâu tóm (nếu có), sẽ được giám sát bởi các cơ quan chức năng. Tôi tin cơ quan chức năng có đầy đủ thông tin và kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề tương tự. |
Được biết, Eximbank dự kiến tiến hành ĐCHĐ bất thường vào ngày 2/8/2016, song thị trường cho rằng, nếu Eximbank chưa giải quyết được ổn thỏa về tình hình nhân sự cấp cao, khả năng kỳ ĐHCĐ bất thường tới đây sẽ khó loại trừ được tình trạng hỗn loạn như kỳ đại hội vừa rồi. HĐQT Eximbank làm gì để có thể đối phó nếu tình huống trên xảy ra, thưa ông? |
Tổ chức một ĐHCĐ thực sự tốn kém và mất rất nhiều công sức, nhiều công việc kinh doanh bị ảnh hưởng, nên chẳng ai muốn tổ chức lại nhiều lần. |
Rất mong mọi người hãy vì lợi ích chung mà có hành xử đúng mực, văn minh, cùng đối thoại để tìm ra giải pháp phù hợp, đồng thời xem xét những thông tin dư luận một cách có chọn lọc và khách quan, để đại hội thành công tốt đẹp đáp ứng mong đợi của đại đa số cổ đông. |
Eximbank là ngân hàng có uy tín và thương hiệu trên thị trường tài chính, song những năm gần đây lại có dấu hiệu đi xuống khi nợ xấu tăng, nhân sự cấp cao biến động. Liệu HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới có thể vực dậy Ngân hàng và đưa Eximbank trở về quỹ đạo hàng đầu? |
Đây là ưu tiên hàng đầu của HĐQT và Ban điều hành cùng toàn thể người lao động tại Eximbank. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình giải quyết các vấn đề tồn đọng như nợ xấu…, làm việc với cổ đông chiến lược SMBC Nhật Bản trong việc tái cấu trúc Ngân hàng với những giải pháp phù hợp. Đồng thời, chúng tôi cũng quyết tâm xây dựng văn hoá minh bạch, thẳng thắn…, và hy vọng sẽ đưa Eximbank quay về quỹ đạo là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam và phát triển bền vững. Chúng tôi cũng ý thức được rằng, đây là một công cuộc vô vàn khó khăn trong thời điểm hiện nay. |
Câu hỏi cuối và cho phép tôi thẳng thắn nhé… nghe “tin đồn” là ông vào HĐQT nhằm phục vụ “sân sau”? |
Xin cám ơn về câu hỏi thẳng thắn này. Trong trường hợp của tôi, không có bất kỳ một sân sau nào và không có bất kỳ một lợi ích nào tại Eximbank. Điều tôi mong muốn là cùng với anh chị em cán bộ, nhân viên Eximbank hợp lực cải cách Ngân hàng, hướng đến hoạt động lành mạnh, góp một phần nhỏ cho sự tốt đẹp của đời sống người lao động tại Ngân hàng. |
Tôi mong Ban Kiểm soát, các cán bộ Ngân hàng giám sát chặt chẽ và nêu cụ thể nếu phát hiện được bất kỳ “sân sau” nào của tôi, để tránh những đồn thổi một cách ác ý, cản trở quá trình cải cách mà các thành viên HĐQT khác đang nỗ lực tiến hành. |