Networks Business Online Việt Nam & International VH2

#1 TOP 15+ Bài Mẫu Thuyết Minh Về Đặc Sản Bình Định | Món Miền Trung – Món Miền Trung

Đăng ngày 04 December, 2022 bởi admin

Bạn tự xưng mình là người dân xứ Nẫu? Bạn tự tin rằng đã thưởng thức qua hầu hết các món đặc sản quê ta? Thế nhưng đã bao giờ bạn lâm vào tình cảnh đột nhiên ai đó hỏi “Bây giờ đi ăn gì?”, bạn lại trở nên rất lúng túng như mình chưa? Kiểu là bất chợt não bộ chưa kịp “cập nhật dữ liệu”? Đừng lo! Tất cả đã có trong “Top 15+ Đặc sản Bình Định ngon không cưỡng nổi” này rồi.

  • Đặc sản Hoài Nhơn, Bình Định
  • Đặc sản Hoài An Bình Định
  • Bánh it Bình Định
  • Đặc sản Bình Định

Những đặc sản đáng nhớ về quê hương – Đặc sản Bình Định

Những đặc sản đáng nhớ về quê hương - Đặc sản Bình Định
( Chuyên mục : Đặc sản Bình Định )

Bình Định có 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện, bao gồm:

+ Thành phố Qui Nhơn

+ Thị xã An Nhơn
+ Huyện An Lão, huyện Hoài Ân, huyện Hoài Nhơn, huyện Phù Cát, huyện Phù Mỹ, huyện Tây Sơn, huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh và huyện Vĩnh Thạnh .

Những đặc sản đáng nhớ về quê hương Bình Định:

Bún riêu cua vị sông Kôn: Bún riêu cua Quy Nhơn mang hương vị phù sa của dòng sông Kôn, của những cánh đồng lúa bạt ngàn, gợi nhớ tuổi thơ, nhớ cái phong vị dân dã, mộc mạc quê nhà vào mùa lúa chín… Để có món riêu ngon, người đầu bếp phải dụng công rất nhiều. Đầu tiên, cua được cho vào cối đá giã nhuyễn. Quết xong người ta đưa lên rổ lược, ta có loại nước cua sền sệt, vàng vàng, trên mặt nổi những váng mỡ loang loáng. Chừng ấy cũng đủ hấp dẫn. Nước cua được trộn với trứng gà đánh nhuyễn thêm một ít bột ngọt, đường, muối, tiêu, ớt. Đun một nồi nước sôi già đổ hỗn hợp này vào ta có nồi nước riêu thơm. Chừng dăm phút nước riêu đã kết đặc lại thành từng mảng màu nâu vàng chỉ cần một đôi đũa, xắn nhẹ là riêu vỡ ra theo ý bạn. Lạ và ngon hơn khi có thêm rong câu. Thưởng thức một lần món riêu cua ngon, đậm đà, với những mảng riêu kết đặc màu nâu, vàng thơm đặc biệt, chắc chắn dư hương sẽ còn đọng mãi. Ăn bún riêu cua nhất thiết phải kèm rau ghém, gồm đủ các loại: bắp chuối thái rối, tía tô, rau răm, giá đậu, xà lách xanh non, rau thơm… Vào những ngày mưa, ngoài trời mưa sụt sùi, ngồi bên nồi bún riêu bốc khói tỏa hương là thấy ấm áp tình quê rồi. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Chả cá Quy Nhơn: Chả cá được làm từ những con cá thu mập mạp, bóng bẩy, thịt ngọt và đầy đủ dưỡng chất. Bí quyết của những người làm chả ngon là thêm vào hỗn hợp thịt cá một ít hành lá, thì là bằm nhuyễn để tạo nên vị thơm cho chả. Công đoạn từ quết thịt đến đánh thành bánh chả hết sức công phu, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, vừa nhanh vừa đều tay để miếng bánh chả láng mịn, tròn dày vừa phải. Bánh chả làm xong được chiên hoặc hấp tùy theo sở thích. Chả chiên dai dai, giòn giòn, dậy mùi thơm từ thịt cá, vị cay nồng của tiêu sọ, kích thích vị giác của bất kỳ thực khách nào. Chả hấp thanh đạm hơn, ít dầu mỡ, lại có thêm lớp trứng tráng mỏng, vàng ươm trên bề mặt. Cắn miếng chả chiên vừa mịn, vừa mềm, vừa dai nhưng không quá béo. Chấm miếng chả cá hấp nóng hổi vào tương ớt, kèm theo vài lá rau thơm, vị thơm, vị ngọt của cá như tan trên đầu lưỡi. Người ăn sẽ ngỡ ngàng nhận ra, đằng sau sự khiêm nhường và bình lặng ấy là cái nồng nàn của vị biển. Chả cá ngon là nguyên liệu cho món bún chả cá nổi tiếng đất Quy Nhơn. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa chả cá, sợi bún, nước lèo và nước chấm. Sợi bún nhỏ đánh lừa cảm giác rằng bạn ăn chưa nhiều và muốn ăn thêm nữa, nước lèo được nấu từ xương và đầu cá thu, trong veo, ngọt tự nhiên, không tanh, có mùi thơm của củ hành tím đã nướng qua lửa và vị thanh thanh của đường phèn. Chả cángon đã đành, lại thêm nước lèo ngọt đậm hầm từ xương cá với măng le, và nấm rơm; đến cả dĩa rau sống được chăm chút, một sự hòa trộn màu sắc rất bắt mắt bởi màu xanh non của xà lách, màu trắng nõn những cọng bắp chuối, xanh đậm của rau răm, húng, quế, rau ngò, tim tím của tía tô tim tím, trắng ngà viền tím của bắp chuối xắt, màu xanh ngọc của cọng rau muống được chẻ mỏng và cả chút ớt tương đỏ… khiến món bún nhìn đã thấy hấp dẫn không thể cưỡng. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Nem chợ huyện: “Ai về Vĩnh Thạnh quê em / Ăn nem chợ Huyện, đêm xem hát tuồng”. Theo kinh nghiệm gia truyền của các nhà sản xuất, nem ngon là nhờ vào cách chế biến công phu nhưng yếu tố chính vẫn là thịt heo. Thịt, phải là thịt heo cỏ 6-8 tháng tuổi, cân nặng chừng 60kg trở lại. Heo có thịt săn nhiều nạc, màu đỏ sẫm. Thịt nạc phải săn, tươi, được cắt theo chiều ngang thớ thịt chừng 3cm, thái nhỏ, để ráo nước rồi mới cho vào cối quết. Thợ làm nem là những người trai lực lưỡng. Muốn thịt được nhuyễn, dai, giòn, người thợ phải quết liên tục, không có quãng thời gian ngừng tay lâu, chỉ dừng lại khi thịt đã “chín”. Mỗi cối thịt chỉ nặng chừng vài ký. Trong lúc quết, họ còn cho thêm đường và muối theo một tỷ lệ chính xác. Khi thịt đã chín, nhuyễn người ta cho tiêu hạt và da heo đã xắt nhỏ như con bún, hoặc như hạt lựu. Nem chợ Huyện có vị ngon rất riêng và độc đáo: Không mềm như nem Thủ Đức, cũng không ngọt như nem Lai Vung, nem An Cựu. Khi ăn, lột bỏ hai cuộn lá chuối bên ngoài, rồi đến lớp lá ổi bên trong, ruột nem hồng hồng hiện ra xinh xắn đã thấy nước miếng tứa ra chân răng. Cắn một miếng, ta cảm nhận ngay vị dai dai, sần sật, chua chua, giòn giòn, vị ngọt thanh khó diễn tả. Nem tươi có mùi vị thơm lựng sau khi được nướng than, ăn kèm với rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt. Nhưng, nem chợ Huyện cuốn với bánh tráng cùng rau mùi mới là món “đắm say lòng người”. Người ta gọi món này là bánh cuốn, trong đó nem là món chủ đạo. Tuốt một xâu nem bỏ vào lòng bánh tráng, thêm chút rau, vài cuốn chả ram (chả giò), rồi quấn chặt lại. Lúc này, tô nước chấm mới quyết định người ăn ghiền đến mức nào. Càng ăn càng ghiền, thực khách đánh chén đến căng bụng mới thôi. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Bánh xèo Mỹ Cang: Khác với bánh xèo xứ Huế, chất liệu tạo ra bánh xèo Bình Định khá khiêm tốn nhưng hương vị không kém phần đặc trưng, hấp dẫn. Chất liệu chính làm ra bánh xèo chỉ có gạo, tôm, thịt bò, giá sống và một vài loại rau bản địa. Gạo phải được xay từ loại lúa ở cánh đồng khu Đông. Tôm phải là loại tôm đất sống nước lợ ở đầm Thị Nại. Nước chấm phải được pha chế từ loại nước mắm nguyên chất… Đổ bột vào khuôn xong, công đoạn thứ hai là chọn những con tôm đất hoặc tôm biển (trên 10 con) còn tươi roi rói nhảy lách tách trong rổ, rải tròn vào chiếc khuôn bánh đang trên lò than. Có nơi cầu kỳ cho thêm vài lát thịt bò thưng trông rất ngon mắt. Cuối cùng là hành hoa, hành tây xắt mỏng, giá đỗ và một ít nấm rơm bỏ vào giữa khuôn gọi là nhân. Đậy nắp khuôn lại… Bếp lửa hồng, tiếng nổ lách tách của những hòn than đỏ rực, tiếng reo “xèo xèo” của dầu mỡ khi tiếp xúc với lớp bột gạo lỏng sền sệt… sẽ làm lòng người ấm lại và như muốn cùng reo vui. Chừng 5 phút sau dỡ nắp ra và chờ bánh vàng giòn đều mặt dưới! Hơi nóng và mùi thơm tỏa ra ngùn ngụt làm ta phải háo hức, chỉ mong bà chủ nhanh bê bánh ra để thưởng thức. Mỗi đĩa thường thì chỉ bỏ được hai bánh. Chiếc bánh được tán mỏng, nổi rõ những con tôm đất tròn mẩy, hươm vàng. Ăn kèm với bánh xèo ở đây là bánh tráng gạo nguyên chất, dùng để cuốn với rau sống, một ít xoài và dưa leo xắt mỏng. Bên cạnh là chén nước mắm được giã đầy đủ ớt, tỏi, chanh, đường. Món ăn có hấp dẫn hay không còn tùy thuộc cách chế biến loại nước chấm này. Ta có thể nhúng ướt nửa cái bánh tráng, đặt bánh xèo lên trên kèm một ít rau sống, gia vị… rồi cuốn chặt lại. Chấm vào chén nước mắm vàng ươm ngọt ngào hương vị miền biển rồi rứt từng miếng cho vừa miệng mà thưởng thức. Chao ôi! Cái ngọt của tôm tươi, cái giòn giòn của gạo đủ lửa và một chút chua, chát của xoài và chuối chát, quyện tất cả lại thành một món ăn vô cùng hấp dẫn. Thưởng thức bánh giữa khung cảnh làng quê dung dị, yên bình, lòng chợt thấy thảnh thơi lạ kỳ. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Bánh hỏi Diêu Trì: Bánh hỏi là đặc sản của Bình Định, thịnh và ngon nhất là ở Diêu Trì (Tuy Phước). Gạo tám thơm được vo kỹ, ngâm nước một đêm. Vớt gạo đem xay nhuyễn bằng cối đá – thứ cối đá Diêu Trì. Bỏ gạo vào họng cối, quay cối, cứ dăm ba vòng lại thêm một ít nước để cối khỏi “nghẹn”. Bột nước là một hỗn hợp nước sền sệt. Bột nước cho vào bao vải khô, “đăng” cho ráo nước. Đem hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia bột thành từng khối chừng nửa ký gọi là “giảo” bột đưa vào khuôn ép thành bánh. Bánh được hấp vừa đủ chín. Nhìn những miếng bánh trắng muốt, ươn ướt mỡ đã thấy ngon. Nhưng chưa đủ. Bánh còn được rắc thêm lá hẹ. Hẹ màu xanh lục điểm trên bánh khiến bánh trở nên hấp dẫn hơn. Bánh hỏi thường được ăn kèm với thịt heo, bánh tráng và các loại rau thơm, nước mắm, tạo thành món ăn mang đầy đủ hương vị chua, cay, ngọt, béo, thơm ngon vô cùng. Phải chăng đó là nghệ thuật? Vào một quán bánh hỏi ở Diêu Trì, khi gọi món này là bạn sẽ được thưởng thức thêm hai món nữa, đó là cháo và lòng. Đây chính là nét đặc biệt của bánh hỏi Diêu Trì. Cháo khá loãng, nấu bằng huyết ninh với thịt nạc băm. Cháo vừa ngọt lại vừa loãng, thơm. Cháo là món đưa “trơn” mà không cần dùng rượu. Cạnh là đĩa lòng heo. Lòng được chế biến rất khéo, có lẽ không nơi nào bằng. Những miếng gan dày, miếng dồi màu nâu, khoanh tròn bên cạnh những miếng tim deo dẻo, miếng cổ dai dai giòn giòn, và cả miếng bầu dục mong mỏng. Những thứ này ăn kèm với bánh hỏi, khiến bánh hỏi trở nên béo bở, ngon ngọt khác thường. Thỉnh thoảng húp một muỗng cháo lòng – Thỏa như “uống rượu mà không say”. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Cá chua Phù Cát: “Giàu nghèo một lẽ cá chua / Biết đâu thắng, biết đâu thua hỡi mình”. Gọi cá chua không phải vì thịt của chúng có vị chua hay chúng sống trong môi trường nước chua. Đến nay vẫn chưa có ai biết được nguồn gốc và tên thật của giống cá này. Theo nhiều ngư dân, tên “chua” là biểu thị của sự gian khổ (chua cay, chua chát…) trong việc đánh bắt cá bột và nuôi cá trong ao, hồ. Đó là những công việc rất vất vả cộng với tâm trạng nơm nớp lo âu từng ngày, không biết “trắng tay” lúc nào. Cá chua là giống cá được sinh ra trong bọt biển thì cũng dễ tan như bọt biển. Nó sinh trưởng tự nhiên trong môi trường nước lợ. Vùng cửa biển Đề Gi (Cát Khánh – Phù Cát) có điều lạ là nước biển có độ mặn thấp hơn so với các nơi khác trong khu vực, thậm chí dù chỉ cách nhau vài cây số. Vào mùa hè, nước trong đầm Đạm Thủy (đầm Đề Gi) cạn dần, nước biển theo thủy triều tràn ngược lên đầm, biến nơi này thành một vùng nước lợ rộng lớn. Trong những đám bọt biển nổi lềnh bềnh sát cửa biển có hàng triệu con cá nhỏ li ti bằng đầu chiếc kim khâu, trong suốt, chỉ phân biệt được nhờ hai chấm nhỏ đen đen của hai con mắt trên đầu. Chúng nổi trên mặt nước ẩn dưới lớp bọt. Đó là những chú cá chua bột. Người đánh bắt cá chua bột ngâm mình trong nước mặn, dưới cái nắng hè như đổ lửa, cho đến khi nào đạt yêu cầu mới thôi. Cá bột được nuôi trong ao, hồ nhỏ chừng hai tuần tuổi cho cứng cáp rồi mới thả ra ao nuôi chính. Nuôi cá chua cũng là nghề gian nan, phải theo dõi, chăm sóc hàng ngày. Khi gần ngày thu hoạch, người nuôi nơm nớp lo không biết trời mưa lúc nào, mưa lớn hay nhỏ, mưa vào ban ngày hay ban đêm, nếu để sơ sẩy thì bao công lao sẽ trở thành công cốc. Cá chua có quanh năm, nhưng chất lượng cá ngon nhất và độ mùa xuân – hạ, và độ tuổi chừng 4 – 5 tháng. Thịt rất thơm ngon, càng nhai kỹ càng cảm nhận nhiều vị ngọt của miếng cá. Cá còn nhỏ thì chất thịt chưa thật đậm đà, nhưng da cá và phần đầu lại rất quyến rũ. Cá già có phần da hơi cứng, nhưng thịt thì săn chắc, ngon hết chỗ chê. Cá chua được chế biến thành nhiều món: cá chua hấp, cá chua nấu lá giang, cá chua nấu mẳn (chỉ nấu với nước và hành, không phụ thêm gia vị), nhưng thú vị nhất là nướng lá chuối ăn kèm muối ớt tươi. Nếu được một lần thưởng thức, hầu như ai cũng phải xuýt xoa khen ngon, có thể ăn mãi mà không chán miệng bao giờ. Có lẽ, thực khách chỉ ngừng ăn khi phải gỡ xương dăm, những sợi xương mềm như sợi cước. Phải chăng, đó là “điểm yếu” của con cá chua ngọt ngào? Trong tiết hè oi ả, bên bãi biển mát rượi, quây quần bên nhau vừa ăn các món cá chua vừa trò chuyện, thỉnh thoảng nhấp vài ly Bầu Đá thì còn gì tuyệt bằng! (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Rượu Bàu Đá: Rượu Bàu Đá là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố. Đầu tiên đó là sự thừa hưởng dòng nước ngọt ngào của ngọn nguồn sông Kôn được ủ lạnh, lọc trong từ những hộc đá ngầm ở Vực Bà, Nước Miên, Nước Trinh, sông Kxôm, Hầm hô… Tiếp đến là sự khéo léo, cần mẫn của con người vùng “đất võ trời văn”. Sự cộng hưởng giữa thiên nhiên và tài hoa con người đã tạo nên thứ rượu đậm đà. Rượu Bàu Đá (còn gọi Bầu Đá) có nồng độ rất cao, hơn 50 độ, uống nhanh say nhưng say rồi không thấy mệt. Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu, cộng với kinh nghiệm gia truyền. Chỉ nguồn nước sông Kôn ngọt ngào mới cho ra loại rượu ngon, thơm và uống có hậu ấy (giới uống rượu dùng từ này chỉ cho loại rượu uống xong còn ngòn ngọt ở cổ). Khi nấu rượu, không dùng nồi nhôm mà dùng nồi đồng, nắp đậy nồi bằng đất nung; cất rượu bằng ống tre. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo. Thưởng lãm rượu Bàu Đá cũng cầu kỳ lắm lắm; Rót rượu ra chén cũng có kiểu, có cách: Ve vòi giơ cao, rót dòng rượu nhỏ ra chén hạt mít sao cho có tiếng kêu róc rách, vun bọt nhưng rượu không được tràn ra miệng chén. Rượu nước đầu trong vắt, rót sủi tăm, ực một cái thấy thót cả người, vừa cay, vừa ấm, vừa nồng, chạy đến đâu biết đến đó, như một luồng điện từ cổ xuống bụng và lan nhanh ra các mạch máu toàn thân. Rượu mới nấu nóng hôi hổi uống vào càng tuyệt. Có một điều lạ, dù có say ngất ngư, bạn có thể ngủ một giấc đến sáng mà không nhức đầu. Ca dao Bình Định có câu: “Rượu ngon Bầu Đá mê li / Gặp nem chợ Huyện bỏ đi sao đành?”. Rượu Bầu Đá không chỉ là rượu để nhậu mà còn là rượu lễ, rượu mừng không thể thiếu được trong các đám cưới, đám tang, đám giỗ. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Bún Song thằn: “Nón ngựa Gò Găng/ Bún song thằn An Thái/ Lụa đậu tư Nhơn Ngãi/ Xoài tượng chín Hưng Long”. Sở dĩ có tên gọi “song thằn” vì khi làm bún, người ta thường bắt dây bún từng đôi một. Nhiều người đọc trại thành bún “song thần”. Bún song thằn nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và có giá trị dinh dưỡng cao vì làm từ đậu xanh. Đậu xanh đem phơi nắng cho thật khô rồi đem ngâm nước lạnh độ 24 giờ cho nở đều mới đem xay. Việc xay bột là cả một nghệ thuật đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Lúc xay phải tốn thật nhiều nước để cho bột lắng qua nhiều đợt, vì vậy mà việc xay bột phải dùng đến nước sông mới xuể, và phải là nước sông Kôn thật trong và mát. Tương truyền các vua triều Nguyễn triệu thợ bún An Thái ra kinh đô Huế làm bún Song thằn nhưng không thành công vì nước sông Hương khác với nước sông Kôn (?). Trung bình 5 kg đậu sau nhiều lần xay, đãi, lắng lọc mới được 1,2 kg bột và làm thành 1kg bún, bởi vậy giá thành rất cao nên không thông dụng. Để bún được ngon, người thợ nhào bột cho đều với nước lạnh. Cái khó nhất là khâu nhào bột làm sao cho vừa, không khô mà cũng không nhão. Bún song thằn thường dùng để nấu với tôm, thịt nạc, ăn ngọt và mát. Hãy đến An Thái, thưởng thức tại chỗ một tô bún nấu với lòng gà và mua một vài kg làm quà giới thiệu đặc sản quê hương. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Bánh ít lá gai: “Muốn ăn bánh ít lá gai / Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi..” Bánh ít là món bánh rất Bình Định – từ cách làm đến hương vị đều rất riêng. Bánh có hình nón, đáy vuông, sắc cạnh, nhọn lên tới đỉnh. Nếu có vài chiếc bánh đặt trong đĩa ta có thể tưởng tượng đó là những cụm tháp Chàm cổ kính sừng sững trên chỏm núi của vùng đất An Nhơn – đó là cách nhìn của họa sĩ. Nếu nhìn dưới đôi mắt của người bình thường thì đó là đôi nhũ hoa của thiếu nữ nên ca dao Bình Định có câu: “Gặt rồi em đứng chờ ai?/Mang chi đôi bánh lá gai đẫy đà”. Bánh được gói bằng lá chuối tơ, mướt dịu và đen như mái tóc thiếu nữ. Nguyên liệu làm bánh ít lá gai lại rất dễ tìm ở vùng quê Bình Định. Hái một ít lá gai luộc chín, giã nhuyễn, cho thêm bột nếp tươi đã vắt ráo nước và đường cát vào giã, trộn đều là xong phần bột bánh. Phần nhân, ngoài đậu xanh và đường phải có dừa khô nạo cơm mới đúng “gu”. Đậu xanh xay bửa đôi, ngâm đãi sạch vỏ, hạt lép, hấp chín sau đó cà thành bột. Cùi dừa xanh sò thành sợi, cho vào chảo bắc lên bếp lửa than cháy liu riu, sên với đường cát đến khi đường tới, dẻo quánh đũa thì cho bột đậu xanh vào. Liên tục đảo đũa đến khi nhân có màu vàng sẫm, khô rời, mùi thơm bốc lên ngào ngạt, vo viên được là vừa. Nhắc khỏi bếp, chờ khi nhân gần nguội, cho thêm nước muối và gừng để nhân ngọt dịu và dậy mùi. Vỏ bánh đen nhánh, bọc kín lấy nhân, khi ăn thật dẻo, thật mịn mà không dính răng. Ngoạm một miếng, ngậm mà nghe chút đắng của lá, cảm vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương cay nồng của gừng, mới thấy thấm cái hồn của ẩm thực quê hương. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Cua huỳnh đế Tam Quan: Cua huỳnh đế là đặc sản của vùng biển Tam Quan và Ðề Gi (Bình Ðịnh), được ngư dân tôn xưng là vua của các loài cua. Với bộ áo giáp dày và cứng, màu vàng rực như hoàng bào, li ti gai nhọn xuôi theo thân, que và càng to, cạnh sắc lẻm như dao, nó xứng đáng được gọi là loài cua mang chữ “đế”. Ðặc biệt, đầu cua dài và có nhiều râu… Bạn muốn thưởng thức cua Huỳnh đế? Câu trả lời là “không dễ!”. Chẳng phải do ví tiền mà cái chính là vì sự hiếm hoi của nó. Theo kinh nghiệm của ngư dân, cua Huỳnh đế chỉ xuất hiện nhiều ở vùng biển Tam Quan (Bình Định), Tuy Phong (Bình Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Những vùng biển sạch, có đáy cát vàng và nguồn nước trong xanh mới “quyến rũ” được loại cua mang thương hiệu “vua” đến trú ngụ và sinh trưởng. Cua Huỳnh đế chỉ rộ nhất vào mùa xuân, khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch. Có thể nói thịt cua huỳnh đế thơm ngon, bổ dưỡng vào loại “quán quân”. Vì thế, ngày xưa nó là loại cua thường chễm chệ trên mâm vàng của thiên tử. Cua huỳnh đế rửa sạch, tách mai, chặt ra từng miếng nhỏ rồi um mặn ăn với cơm thì hết chê. Chỉ cần chan muỗng nước cua um thôi, đã nghe thơm lựng rồi, nói gì đến lúc cắn miếng thịt cua… Có lẽ món hấp chấm muối ớt mới làm cho người ăn tận hưởng hết chất ngọt ngào của thịt cua huỳnh đế. Vừa tách mai cua, bạn đã bị quyến rũ bởi gạch cua béo bùi, thơm ngọt. Từng thớ thịt cua săn chắc, trắng muốt nhô lên khiến vị giác của bạn “đòi” nếm ngay lập tức. Muối phải là muối hột được giã chung với ớt xanh và thêm tí bột ngọt thì chấm thịt cua mới đúng điệu. Cũng có thể luộc cua, lấy thịt, ướp gia vị rồi tao dầu để nấu cháo. Nồi cháo cua huỳnh đế ngon phải có lớp mỡ hành vàng sánh ở trên, lẫn với nước gạch màu đỏ cùng những thớ thịt màu trắng của cua. Húp từng muổng cháo nóng mới ngon làm sao! Mùi thơm đặc trưng xông vào mũi cùng hơi nóng phả vào mặt. Ăn hết tô cháo, mồ hôi vã cả người, nghe khỏe ra… (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Bánh tráng nước dừa Hoài Nhơn: Bình Định được xem là quê hương của bánh tráng, vì tương truyền rằng bánh tráng là món lương khô chiến lược được ra đời cùng với bước chân thần tốc của đội quân Tây Sơn đánh đuổi ngoại xâm. Và có lẽ chỉ có bánh tráng nước dừa là mang nhiều sắc thái Bình Định nhất – rất đạm bạc, thơm ngon và hiếu khách. bánh tráng nước dừa có bề mặt lớn bằng chiếc mâm thau, cộm lên những xác cơm dừa và mè hạt. Nguyên liệu chính để làm bánh tráng nước dừa là củ mì xát nhỏ, lọc kỹ với nước và gia vị. Cơm dừa được mài vụn lấy nước cốt từ chiều hôm trước, bột và gia vị chuẩn bị sẵn. Trong lúc chờ nước trong nồi sôi, người ta trộn đều bột với nước cốt dừa, vừng, gia vị. Khi nước sôi, múc bột đổ vào khuôn vải được căng trên miệng nồi, dùng gáo múc bột tráng đều trên mặt khuôn có chiều rộng bằng cái sàng gạo, đậy vung chừng 2 phút thì vớt bánh ra vỉ, cứ đủ 10 cái là phơi ra nắng. Tráng cho xong chiếc bánh rất đơn giản. Nhưng để cái bánh vừa tròn vừa đều, kích cỡ, độ dày xêm xêm nhau lại đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Chỉ múc nhiều hoặc ít bột một tý, chiếc bánh sẽ to nhỏ không đều. Tráng không đều tay, chiếc bánh sẽ không tròn hoặc chỗ dày, chỗ mỏng… Chiếc bánh được vớt ra bằng chiếc que tre, trải tấm bánh vừa tráng xong lên vỉ cũng vậy. Động tác này chỉ được phép làm một lần, nếu đặt sai vị trí, gỡ ra đặt lại thì chiếc bánh sẽ bị rách. Khi phơi, làm sao cho bánh không bị cong cũng là một bí quyết. Những chiếc bánh tráng phơi khô, xếp lại một chồng được ràng (buộc) bằng dây chuối, vậy là được một ràng bánh tráng. Là món ăn ngon, giản dị, chỉ cần nướng nở thật đều qua lửa than. Khi gặp lửa, bánh căng phồng lên, nước dừa cứ ứa ra như lớp mỡ, dậy mùi béo ngậy, chưa ăn đã thấy mùi thơm quyến rũ. Nhai vào miệng giòn tan, vị béo của dừa hòa quyện với vị béo của mè, mùi hành kết hợp với mùi tiêu, vị ngọt của bột ngọt quyện với vị cay của tiêu tạo thành hương vị dân dã rất đậm đà, vô cùng hấp dẫn. Ăn bánh tráng nước dừa không cần bàn ghế bài bản, vừa ăn vừa nói chuyện, gặp ai cũng mời, cũng chia một phần. Có lẽ vì thế mà nó còn có tên là bánh thơm thảo. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Cá bống Lại Giang: Lại Giang, hợp dòng của 2 sông Kim Sơn và An Lão là nơi sinh ra loài cá bống đặc hữu. Mỗi năm một lần, thường vào giữa tháng tám âm lịch (Trung Thu), là lúc cá bống sinh nở, cá cái bụng đầy trứng, cá đực bụng đầy mỡ. Cá bắt được chọn những con mập mạp khỏe mạnh nhất, không bị thương hay tróc vảy, rộng vào các thúng bộng đan tre có quét dầu rái. Nước rộng phải chính nước sông Lại, còn phải mang theo nước dự trữ để thay, không thì cá chết. Theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, cá sống ở đoạn giữa sông là loại ngon nhất, đẹp nhất – là loại cá dùng để tiến vua. Cá ở đầu sông, nơi có nhiều đá, nên vảy có sắc rằn đen không đẹp, còn cuối sông gần cửa An Dũ, ảnh hưởng thủy triều, nước lợ, thịt cá không ngon! Thịt cá bống trắng tinh, thớ nhuyễn, có mùi thơm, không tanh như các loại cá khác, chỉ có một xương sống rất mềm, dưới bụng chứa cục mỡ màu trắng hồng to bằng quả ớt, đây là phần ngon nhất của con cá. Bữa cơm ngày mùa, một rá cơm gạo tám thơm, trên mâm có đĩa cá bống kho tiêu bốc khói và một đĩa rau ngọn bí ngô luộc thì thật tuyệt. Cái thơm dẻo nồng nàn của gạo mới cộng với cái béo, bùi, ngon ngọt của cá bống kho, cái ngót ngót thơm thơm của ngọn bí, đầu lưỡi cay cay vì tiêu, càng nhai càng thấm, càng ngon. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Mắm nhum Mỹ An: Từ vĩ tuyến 13 đến 17 của vùng biển Việt Nam, nơi nào cũng có nhum. Nhưng món mắm nhum đặc sắc, ngày xưa dùng để tiến vua, thì hình như chỉ có ở Phù Mỹ – Bình Định. Nhum là một động vật thuộc loại nhuyễn thể, có họ hàng với trai, sò; sống ở những gành đá ven bờ biển nước ấm, lẫn trong rong rêu. Nhum có nhiều loại, để muối mắm phải là nhum ta màu đen. Cắt sơ những chiếc gai nhọn tua tủa xung quanh con nhum rồi khoét một lỗ ngay miệng nhum, thế là những múi thịt nhum đã lộ ra trước mắt. Nhum mập, thịt nhum nhìn đầy đặn như những múi sầu riêng. Nhum gầy, thịt chỉ như gạch cau bám dọc theo vỏ thành từng sọc dài, nhưng vẫn béo ngậy. Để làm mắm, người ta cho thịt nhum vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên, rồi đem vùi vào bếp tro hoặc “giang” ngoài nắng từ 10 đến 15 ngày. Mắm nhum chín, nhuyễn tan, sền sệt, mầu đỏ đục, thơm rưng rức. Gia vị chỉ có tỏi và tiêu để nguyên hạt. Mặn, chua, ngọt lẫn vào trong hương vị riêng của thịt nhum, tạo thành một thứ mắm đầy quyến rũ. Đã là mắm nhum thì ăn cách gì cũng ngon. Nhưng người dân vùng biển thích nhất dùng nó với bún tươi hoặc để chấm rau sống với thịt heo ba chỉ cuốn bánh tráng. Ngon đến nhức chân răng! Món mắm hảo hạng này có thể làm vừa lòng cả những thực khách khó tính nhất trong giới sành ăn. Người ta làm mắm nhum chỉ để dùng trong gia đình và làm quà cho người thân, bạn bè. Mắm nhum không phổ biến như các loại mắm khác nên nhiều lúc, có tiền cũng không thể mua được vì không biết nơi bán, và người có cũng chỉ khăng khăng dùng đãi khách quý hoặc để dành tặng người thân. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Bún tôm Châu Trúc: Làng Châu Trúc nằm quay mặt ra bờ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ) là một trong những đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh. Người dân làng Châu Trúc sống bằng nghề làm ruộng và chài lưới. Chính hai nghề này và tâm hồn người Châu Trúc đã tạo nên một món ăn thú vị, thấm đẫm hồn đất, hồn nước và mộc mạc như tâm hồn người dân cần cù lao động. Đó là món bún tôm Châu Trúc. Đầu tiên phải kể đến khâu làm bún. Gạo được ngâm vào nước cho mềm rồi mang đi xay. Nước bột gạo được cho vào túi vải đăng ráo nước, sau đó đưa bột vào cối giã nhuyễn. Mỗi cối bột là một dặn. Dặn (khuôn) ép bún được làm bằng ống nhôm, một đầu để trống, một đầu hàn kín, đáy xăm lỗ li ti để khi ép, bún từ đó mà chạy ra. Thân dặn được lắp vào bàn ép đặt cố định trên nồi nước luộc bún bắc trên bếp lò. Người bán bún ép bún từ dặn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc. Nước sôi, cọng bún gạo từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong là coi như bún chín, dùng rá vớt bún, xóc sơ qua trong nước nguội là coi như xong phần bún. Tôm dùng làm bún phải là những con tôm đất được đánh bắt từ đầm Châu Trúc, hãy còn sống, nhảy tanh tách, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với tí muối, tí ớt… Khi có người đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát khuấy đều, sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, vẩy chút tiêu. Tô bún nghi ngút khói, toả hương thơm dìu dịu, lại có thêm một cái bánh tráng nướng giòn, ăn vào thấy cay cay, vừa ngon, vừa ngọt, trong lành mà đậm đà hương vị. Cái vị ngọt nhẩn nha lan tỏa… Dân dã là thế, nhưng đi xa đến đâu vẫn thấy da diết nhớ… (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Gié bò Tây Sơn: Gié bò là món ăn chế biến chủ yếu từ ruột non của bò. Gié bò không phải là món dễ ăn và chỉ người sành ăn mới khoái khẩu. Người mới ăn lần đầu đều cảm thấy “khó trôi” bởi lẽ gié bò nấu hoàn toàn bằng ruột non của bò. Khi mổ bò, chọn khúc ruột non ngon nhất, còn tươi, bên trong ruột còn chất nhầy trong xanh gọi là gié. Để khử vị đắng người nấu phải bỏ thêm lá giang rừng và ớt chín để bão hoà với chua cay. Xổ phần gié trong ruột non ra, ruột để riêng. Ướp muối, tiêu, hành, tỏi băm nhỏ vào gié trong mươi phút cho ngấm. Sau đó đun nóng dầu, phi hành thơm, cho gié đã ướp vào xào cho chín. Đổ nước dừa tươi vào nấu sôi khoảng 15 phút, vớt kỹ bọt, để nguội lấy nước trong. Ruột non, gan bò cắt đoạn hoặc miếng vuông, ướp với hành, tỏi, muối, tiêu. Phi nóng dầu xào cho gan và ruột dậy mùi thơm rồi để nguội. Phần huyết bò khi mới cắt tiết đem luộc chín, người địa phương hay lót miếng lá chuối dưới đáy nồi, tránh bị sít. Huyết cũng được cắt cỡ miếng gan. Tất cả các nguyên liệu trên được cho vào nồi nấu chung với nước gié. Quan trọng ở giai đoạn này là cho vào những gia vị tạo hương để khử mùi hăng của gié. Đó là sả cây, gừng nướng cho thơm, tai vị đập dập cho vào nồi nấu sôi khoảng 15 phút. Sau đó cho thêm lá giang rửa sạch, vò nát vào sẽ làm cho nồi gié có vị chua. Nêm gia vị lại cho vừa ăn là được. Tô gié nóng hổi, nước gié màu nâu hơi có chút ánh xanh. Dọn thêm bún tươi, rau sống và bánh tráng mè nướng. Mùi cay nồng của ớt, gừng, sả, vị chua của lá giang, vị ngọt thanh của nước dừa, vị đắng nhẹ của gié, vị nhân nhẫn của mật bò ăn với bún và rau sống thật hợp. Gié bò càng ăn nóng càng thấy ngon bởi mùi thơm của rau bốc hương, vị đắng cồn cào của nước gié sực lên mùi hoà nhập với vị chua của lá giang, vị cay bỏng của ớt đã lôi cuốn thực khách “vào trận” một cách kỳ lạ mê hồn. Gié bò vừa ăn vừa nhâm nhi ly rượu Bàu Đá thì thấy trên cả tuyệt vời. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Chim mía Phú Phong: “Ai về Kiên Mỹ, Phú Phong / Ăn con chim mía thỏa lòng ước ao”.Đồng mía Tây Sơn ngút ngàn xanh, là chỗ cho chim mía sinh sôi, nảy nở, gọi mời du khách. Đó là loại chim nhỏ như chim sẻ, có màu lá úa thường xuất hiện vào những tháng cuối đông và đầu xuân. Người ta gọi là chim mía Phú Phong, món đặc sản nức tiếng ưa chuộng của du khách đến thăm quê hương đất võ Tây Sơn. Muốn đánh bắt chim mía, người ta dùng cái trủ như tấm lưới, căng suốt bờ ruộng cao hơn ngọn mía, cầm sào dài đập vào lá mía, rung đuổi chim, cứ thế chúng chuyền dần vào trủ. Những chú chim mía béo tròn, được tẩm ướp gia vị gồm muối hạt giã nhỏ với ớt, hành, hạt tiêu, thêm ít bột ngọt, ngũ vị hương. Chim mía nướng vừa nhanh, vừa rất đơn giản trong cách chế biến lại ngon miệng. dùng một cái xiên thành xâu, nướng chim trên bếp than hồng. Khi nướng, nhanh tay lật trở để chim chín đều và không bị cháy. Khi những chú chim mía chuyển sang màu vàng rộm, mỡ chảy xèo xèo trên bếp than và dậy mùi thơm là món chim nướng đã hoàn thành. Chim mía nướng nóng giòn chấm muối tiêu chanh, thơm ngon phải biết. Để làm món chiên thì thả chim vào chảo dầu phụng vừa sôi, chỉ mươi phút là chim vàng ngậy, xương thịt giòn tan. Cho chim ra đĩa, rắc thêm lên một ít hạt mè rang cho đẹp mắt. Muốn ăn đúng món chim mía, hãy tinh ý chọn những con đầu nhỏ, mỏ ngắn. Chim rán xong còn đủ cả đầu, mình, chân, cánh thơm lựng. Cắn một miếng ta sẽ có ngay cái cảm giác tổng hợp: dai dai của thịt, giòn giòn của xương, béo béo của da, vị ngọt đằm, không lẫn vào đâu được. Chim mía mà có thêm rượu Bầu Đá nhâm nhi thì cứ gọi là đệ nhất mỹ thực. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Cá niên An Lão: An Lão là nơi sinh sống, vẫy vùng của loài cá niên phóng khoáng, được ca tụng là “cá vua” hay “cá đại gia”. Cá niên chỉ cư ngụ nơi nước chảy xiết, trong veo, tinh khiết, thức ăn duy nhất là rêu đá dưới chân thác. Nó là loài cá của núi rừng, vừa dũng mãnh vừa thanh tao, mình trắng đẹp, không lớn lắm, to thì nhỉnh hơn 2 ngón tay nhưng rất khoẻ, suốt ngày cứ lao mình vun vút ngược dòng suối như muốn thử sức cùng với tốc độ của dòng chảy. Cá không cần qua chế biến gì, chỉ cần đem nướng một loáng, khi bốc mùi thơm lừng là xong. Khi ăn, chấm với muối giã ớt xanh, thêm vài giọt chanh, vài lát cà chua kẹp rau thơm. Cá càng nhỏ, ăn càng tuyệt. Ăn cá niên nướng ngon nhất là cách dùng tay gỡ thịt cá hoặc cầm nguyên con chấm muối mà cắn nhai ngấu nghiến, hít hà bởi vị ớt cay nồng. Hương vị cá thơm ngon đậm đà, thoang thoảng mùi thảo mộc thật là khó tả. Ruột cá niên là bộ phận quý nhất mà kẻ sành ăn nào cũng thích với vị đăng đắng, thanh thanh của mật cá. Ăn rồi vẫn còn thòm thèm, không ngán. Ngoài nướng là ngon nhất, cá niên còn được làm gỏi. Cá sống được vệ sinh sạch sẽ, xắt lát, vắt chanh, gia vị, mắm muối rồi trộn lẫn với lá dớn non (loại cây mọc ven sông, đặc trưng của An Lão), đọt non của cây lộc vừng, thêm chút ớt xanh. Món gỏi cá niên càng hấp dẫn hơn khi có vị chát của lộc vừng, vị nhớt của lá dớn cùng với mùi thơm đặc trưng riêng của cá, phảng phất hương vị rong rêu, sông nước chốn sơn hà. (Chuyên mục: Đặc sản Bình Định)

Ngoài ra Bình Định còn nổi tiếng với các loại đặc sản như: Bánh tráng khoai lang, kẹo dừa, bánh Hồng, nước mắm Cá Thu,…

Đặc sản và phong cảnh là hai trong những yếu tố quan trọng nhất khiến con người đam mê du lịch, thích khám phá và chinh phục. Ai xa quê cũng nhớ về quê hương da diết, nhớ món ăn đặc sản hay tiếng nói thân thuộc quê mình, thiết nghĩ đặc sản các vùng miền cần phải được giới thiệu rộng rãi với mọi người nhiều hơn, đặc biệt với du khách nước ngoài khi đến du lịch Việt Nam. Do đó mình thực sự mong muốn một “Siêu Thị Đặc Sản TRĂM TRONG MỘT” – Nơi để mọi người ai có đặc sản quê ngon nhất, sạch nhất và giá tốt nhất để trao đổi cùng nhau.

Chúc mọi người vui, khỏe và đam mê mày mò hết những đặc sản của quê nhà Nước Ta .

Một số từ khóa tìm kiếm liên quan:

  • Đặc sản Hoài Nhơn, Bình Định
  • Đặc sản Hoài An Bình Định
  • Bánh it Bình Định
  • Đặc sản Bình Định

Source: https://vh2.com.vn
Category : Ẩm Thực