Networks Business Online Việt Nam & International VH2

Một số biện pháp nâng cao chất lượng đánh giá, phân loại đảng viên

Đăng ngày 06 August, 2022 bởi admin

(QK7 Online) – Vào dịp cuối năm, tổ chức Đảng, đảng viên đều thực hiện kiểm điểm, đánh giá, phân loại tập thể, cá nhân. Đây là công việc định kỳ, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhưng đang đặt ra một số vấn đề cần phải khắc phục, sửa đổi.
 

Thiếu tướng Trần Hữu Tài, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu kiểm tra thực thi Chỉ thị 05 tại Bệnh viện Quân y 7A .

Những năm gần đây, việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, không ít nơi thực hiện công tác này vẫn còn chiếu lệ, qua loa, đại khái. Bệnh thành tích vẫn tồn tại ở nhiều chi bộ. Tổ chức kiểm điểm, phân loại đảng viên còn mang tính hình thức “dĩ hòa vi quý”, “làm cho xong chuyện” để “cả làng cùng vui”. Công tác kiểm tra, thẩm định kết quả đánh giá, phân loại đảng viên của cấp có thẩm quyền chưa thường xuyên, chưa hiệu quả. Kết quả đánh giá, phân loại đảng viên vẫn chưa phản ánh đúng thực chất của chất lượng đảng viên trong thực tế. Kết quả phân loại đang mâu thuẫn với đánh giá của Đảng: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Thực trạng trên đòi hỏi, để đánh giá, phân loại đảng viên đúng thực chất cần kiên quyết đổi mới, chấn chỉnh, tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất: Cấp ủy Đảng các cấp, đặc biệt là chi ủy phải nghiên cứu kỹ hướng dẫn đánh giá phân loại tổ chức Đảng, đảng viên của trên. Điều quan trọng là cần quán triệt để tất cả đảng viên nhận thức sâu sắc: Việc kiểm điểm, nhận xét, đánh giá, phân loại đảng viên giúp từng đảng viên tự soi mình, soi đồng chí mình vào nhiệm vụ, quy định của Đảng để thấy hết ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm, sai lầm, từ đó có biện pháp phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. “Tự phê bình là thang thuốc cứu mình, phê bình là thang thuốc cứu đồng chí mình”, đó là mục đích cao nhất của công tác đánh giá, phân loại đảng viên như lời Bác Hồ căn dặn.

Thứ hai: Đánh giá, phân loại đảng viên sát đúng hay chưa sát đúng, trước hết lệ thuộc vào sự tự giác kiểm điểm của đảng viên. Cấp ủy phải chỉ đạo đảng viên sát sao, quyết liệt và bản thân đảng viên phải đề cao trách nhiệm, tự giác, trung thực, nghiêm túc trong viết bản tự kiểm điểm. Đã đến lúc không thể chấp nhận những bản kiểm điểm chung chung, chỉ liệt kê thành tích, né tránh khuyết điểm; mà yêu cầu phải cụ thể, nói hết, nói rõ những hạn chế, yếu kém của mình. Nội dung kiểm điểm của đảng viên phải toàn diện, nhưng quan trọng hơn là phải dũng cảm dám nhận và có thái độ cầu thị đối với những hạn chế về phẩm chất, năng lực, phong cách, văn hóa ứng xử…Từ đó tự đề ra giải pháp, lộ trình phấn đấu khắc phục, sửa chữa phù hợp với từng cá nhân.

Thứ ba: Đánh giá đảng viên phải dựa trên nhiều kênh thông tin: Thông tin từ chính bản thân đảng viên, từ các cấp quản lý đảng viên, từ đảng viên trong chi bộ, từ quần chúng và tổ chức Đảng nơi đảng viên cư trú. Hơn ai hết, quần chúng nhân dân là những người hiểu rõ đảng viên, kể cả những mặt tốt, chưa tốt và cả những sai phạm. Việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân là rất quan trọng, vậy mà nhiều chi bộ cơ quan, đơn vị, chưa tổ chức lấy ý kiến của quần chúng nhân dân trước khi đánh giá, phân loại.

Thứ tư: Tinh thần tự phê bình và phê bình trong đánh giá, phân loại đảng viên nhìn chung còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Nhiều chi bộ, sau khi đảng viên báo cáo kiểm điểm không ai có ý kiến và nhất trí thông qua theo kiểu “dễ người, dễ ta”. Điều đó đã làm cho đảng viên không nhận ra khuyết điểm của mình, vì thế  đảng viên không có biện pháp đúng để phấn đấu tiến bộ. Khắc phục tình trạng đó, không ai khác ngoài trách nhiệm của cấp ủy, đứng đầu là bí thư. Cấp ủy và bí thư chi bộ phải đề cao tính chiến đấu, tính Đảng, gương mẫu, tiên phong trong tự phê bình mình và phê bình đồng chí mình; mở rộng dân chủ, biết biểu dương, khích lệ, khuyến khích đảng viên đấu tranh theo tinh thần “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; phải có thái độ thẳng thắn, nghiêm khắc phê phán những đảng viên “mũ ni che tai”, “thấy đúng không ủng hộ, thấy sai không đấu tranh”.

Thứ năm: Đánh giá, phân loại đảng viên cần phải xem như một đợt sinh hoạt chính trị. Cấp ủy cấp trên trực tiếp phải cử cán bộ xuống dự, theo dõi, chỉ đạo để đảm bảo tính giáo dục, tính chiến đấu và tính Đảng. Nếu thấy kết quả phân loại đảng viên bất thường thì cấp có thẩm quyền cần tổ chức kiểm tra ngay. Nếu thực hiện chưa đúng phải kiên quyết chỉ đạo đánh giá, phân loại lại cho đúng; nếu thực hiện sai quy định thì kiên quyết hủy kết quả và  kiểm điểm, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm một cách nghiêm minh.

Đánh giá, phân loại đảng viên trung thực, chính xác sẽ giúp đảng viên có ý thức, biện pháp đúng trong quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng để hoàn thiện mình. Điều đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, bởi “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt”.              

 NGUYỄN QUANG PHI

Source: https://vh2.com.vn
Category : Đánh Giá