Networks Business Online Việt Nam & International VH2

Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

Đăng ngày 24 May, 2023 bởi admin

Lúc Rosie đăng thông tin quyển sách này, mình nghĩ là chắc mình quá tuổi để đọc (tuổi ở đây là tuổi trải nghiệm) và chỉ mua 2 quyển để tủ sách cho học sinh đọc. Tuy nhiên, khi cầm sách trong tay, lướt qua vài trang, mình nghĩ là mình cũng còn “trẻ” để đọc quyển này.
Cách đây vài hôm, mình có đọc một trích đoạn của Osho về chín chắn và già. Người ta có thể già nhưng chưa chắc chín chắn. Mình cũng tin là cho dù xã hội chúng ta ngày hôm nay có phát triển hiện đại đến đâu thì quá trình một người lớn lên, trưởng thành vẫn không đổi: đứa trẻ phải té mới đi được, con người phải qua khó khăn, học hỏi mới trưởng thành. Việc này giống như một chú sâu ủ kén đủ ngày mới thành con bướm tuyệt đẹp. Không thể đi tắt.
Đó là một quá trình tích lượng đủ để đổi chất. Nếu trải nghiệm sớm, tích lượng đủ sớm thì quá trình đổi chất sẽ sớm và người ta tiết kiệm biết bao nhiêu là thời gian. Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu cho các bạn trẻ cách thức để “tích lượng” ấy.
Những trải nghiệm được chia sẻ của Rosie trong sách dĩ nhiên không giống mình (làm sao có 2 người nào trải nghiệm giống nhau) nhưng những những suy nghĩ và những bài học Rosie rút ra trong quá trình tự học rất đồng cảm với mình.
Đập vô mắt mình điều đầu tiên trong 10 điều mà Rosie chia sẻ nếu bạn quay trở lại thời đôi mươi là điều mình thật tâm đắc: đầu tư cho sức khỏe. Mình nghĩ Rosie có lí do khi đưa nó lên thành điều số 1. Nếu mình quay trở lại thời trẻ, trẻ hơn cả đôi mươi, mình sẽ đầu tư cho sức khỏe: luyện tập thể thao, chơi một môn nào đó, nâng cao sức đề kháng của bản thân. Khi qua 30, qua kỳ sinh nở cộng với làm việc cường độ cao, mình thấy sức khỏe giảm hẳn (mà ý là lúc đôi mươi mình cũng không khỏe bao nhiêu), mình mới có động lực mạnh mẽ để dành thời gian cho rèn luyện sức khỏe.
Không biết có duyên gì không mà mình tâm đắc điều số 10: dành thời gian cho hoạt động tinh thần. Cho đến thời điểm này, dù muộn, việc khám phá và tin tưởng những phương pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần đã đem lại cho mình nhiều giá trị của cuộc sống. Đây la điều mà khi trẻ mình không thèm tin, không thèm chú trọng. Sức mạnh nội tâm bằng việc luyện tập sự tĩnh tại, cảm nhận hạnh phúc từ những việc đơn giản xung quanh đã giúp mình vượt qua nhiều cơn bão của cuộc sống. Phải thú nhận rằng, làm điều này không dễ. Nếu chăm sóc sức khỏe cơ thể mình chỉ cần 6 tháng là thấy có kết quả và tạo được thói quen/kỹ năng thì chăm sóc sức khỏe tinh thần mình mất mấy năm mới thấy được chút ít kết quả.
Nếu liệt kê những gì mình tâm đắc trong quyển sách này thì chắc mất vài trang vì gần như mình tâm đắc hết ^^. Mình đồng ý về giá trị của việc học hỏi từ sách, và cũng đồng ý mạnh việc không phải đọc sách nào cũng có ích. Với mình, sách “rác” ở ngoài thị trường đầy rẫy và đọc nó thì có hại nhiều hơn là có lợi. Mình cũng là người đã dùng sách là kênh chính trong quá trình tự học, bên cạnh việc trải nghiệm.
Mình cũng rất thích quan điểm dẹp bỏ ti vi trong nhà. Có lần mình chia sẻ việc này trên FB, nhiều bạn mình bảo mình cực đoan. Mình thì không sao, nhưng giờ có con, mình thật sự ác cảm với việc không thể dẹp hết tivi ở các phòng khác. Tivi có hại cho trẻ con khá nhiều.
Mình cũng khoái chi tiết đi ngủ sớm (dù mình chưa thể dậy sớm 4h như Rosie). Chỉ có ai trải qua việc đầu óc mình minh mẫn sảng khoái khi ngủ đủ và ngủ sớm mới thấy điều này rất quý giá.
Mình cũng bớt đọc báo. Mình không còn đọc báo giấy và hạn chế báo mạng. Nói cho cùng, trên đó không có nhiều thông tin có ích theo tiêu chí của mình. Mình cũng không chơi điện tử nhiều. Hồi nhỏ đến giờ mình chỉ biết có trò xếp gạch và kim cương.
Ba phần chính của sách là Học, thực hành và tỏa sáng. Đó cũng là con đường mà mình đã và đang trải qua. Không cần là một giáo viên mới thấy những lổ hổng của giáo dục hiện nay. Nền giáo dục lạc hậu ở VN còn làm cho các bạn trẻ lẫn nhiều người lớn hiểu lệch lạc về việc học. Đôi khi, điều mà nhiều bạn trẻ tưởng mình đang học thực ra chẳng phải là học gì cả. Ngồi tuyển dụng, mình thấy nhiều hồ sơ các bạn bảng điểm cao, bằng cấp xịn, nhưng hỏi những kiến thức chuyên môn cơ bản thì không biết gì. Ảnh hưởng quá nặng nề từ tư tưởng nho giáo, các bạn chỉ quan tâm bằng cấp mà không chú trọng thực hành, cho nên, kỹ năng gì cũng không có. Có lần, nhóm bạn mình tranh cãi với nhau lý thuyết và trải nghiệm, cái nào đáng giá hơn. Mình thì theo phe trải nghiệm. Có nhiều điều đọc từ sách, học từ người khác nhưng đến khi mình tự thực hiện thì khác lắm. Trải nghiệm luôn quý giá và đáng giá.
Phần tỏa sáng của Rosie đề cập đến việc theo đuổi ước mơ, khám phá ra điểm mạnh của mình, rèn dũa nó và kiên trì chờ ngày tỏa sáng. Nhìn những bạn lớn có, nhỏ có xung quanh mình, mình thấy việc này không phải nhiều người làm được. Cá nhân mình, trải qua 12 năm phổ thông, 4 năm đại học, 2 năm cao học, đi làm đến 10 năm mình mới tự khám phá điểm mạnh của mình là gì, điều gì mà mình thoải mái khi thực hiện và “tỏa sáng” với nó. Hồi xưa mình luôn dằn vặt khi mình không phải là một giáo viên Toán giỏi, dù chuyên môn và nền tảng không tệ. Khi khám phá ra mình mạnh ở đâu, điều gì truyền cảm hứng để mình làm việc, mình hiểu rằng vì sao mình không hào hứng trong việc lên lớp dạy toán (trong khi đó mình dành hàng giờ để lên kế hoạch chủ nhiệm – một nhiệm vụ mà nhiều giáo viên làm cho có lệ). Giờ thì mỗi ngày của mình thường mình không xem là làm việc, bởi đơn giản là mình làm việc mình muốn làm và hên là nó được gọi là “công việc” và tạo thu nhập cho mình.
Khép lại quyển sách, nhiều điều Rosie đã trải nghiệm mình cũng thích lắm, ví dụ như thích “xê dịch”, thích viết, thích chia sẻ, muốn học yoga và thiền, muốn ăn chay, muốn dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, … nhưng mình chưa làm được hoặc chưa làm được nhiều. Vì vậy mà quyển sách này cũng tạo động lực cho mình tiếp tục từng bước thực hiện. Mình nghĩ là lần tái bản tới, Rosie nới rộng đối tượng của quyển sách. Quyển sách này không chỉ dành cho bạn nào từ 16 đến 29 mà có thể là 16 – lứa tuổi nào bạn thấy còn sức và còn muốn làm điều mình thích ^^. Với mình, 66 vẫn là trẻ, miễn sao mình vẫn giữ được sức khỏe và một cái đầu rộng mở.
Nếu hỏi có điều gì mình không hài lòng ở quyển sách này không thì mình trả lời có. Đó là khoảng 2/3 quyển sách phần đầu, nhiều câu Rosie viết không đúng ngữ pháp. Ví dụ trang 78:
“Nuôi dưỡng ngôi sao trong mình, vun trồng những tiềm năng tố chất. Để một ngày nào đó, tỏa sáng rực rỡ.”
hoặc trang 92:
“Trên chặng đường đó, thì bạn đã học được rất nhiều so với đứng yên.”
Mình đọc những câu kiểu này thấy nó …cụt cụt sao đó. Cũng có thể đây là chủ ý của tác giả mà mình không biết.
Cuối cùng, điều mình học được từ việc đọc nhiều sách là: từ câu chữ của người khác, mình được truyền cảm hứng và mong muốn thay đổi. Nhưng những từ ngữ cô đọng mà người viết chuyển tải trên trang sách thật ra rất nhỏ bé so với những gì mình thực hiện sau đó. Những từ ngữ kiểu “kiên trì”, “cố gắng”, “nỗ lực”,…khi vào thực tế đều có thể kể thành một câu chuyện dài không hết và mỗi người sẽ “thấm” nó khác nhau. Sẽ có nhiều người bỏ cuộc trên con đường kiên định đó, nhưng những ai đã vượt qua (dù chỉ là từng chặng nhỏ) đều nhận được niềm hạnh phúc và niềm tin mà chỉ riêng mình mới hiểu được. Nó giống như chuyện cá chép vượt vũ môn:
Cả bầy cá chép, con nào cũng muốn vượt qua cửa rồng. Bởi chúng biết, hễ vượt được qua cửa rồng, thì chúng sẽ từ những con cá chép tầm thường trở thành những con rồng siêu phàm thoát tục.
Khốn nỗi, cửa rồng cao quá, cả bầy cá chép con nào con nấy mệt đứt cả hơi va vấp đến nỗi thâm tím cả mặt mày mà chẳng con nào nhảy được qua. Bầy cá xúm lại xin với Long Vương, để Long vương hạ cửa rồng thấp xuống một chút. Long vương không bằng lòng, cả bầy cá chép bảo nhau quỳ mọp trước mặt Long vương, không đứng dậy nữa. Chúng quỳ luôn ở đấy chín chín tám mươi mốt ngày, cuối cùng Long vương cũng mủi lòng và đáp ứng yêu cầu của bầy cá.
Thế là cá lớn cá bé nhẹ nhàng thoải mái vượt qua cửa rồng và vui mừng hể hả đều biến thành rồng.
Không lâu sau, những con cá chép được hóa rồng ấy bấy giờ mới phát hiện ra một điều là tất cả cá chép đều hóa rồng, cũng chẳng có gì khác so với lúc tất cả đều chưa phải là rồng. Thế là, cả bầy cá lại đi tìm Long vương nói lên điều ngờ vực khó nghĩ trong lòng.
Long vương cười và bảo: “Cửa rộng chính thức thì không thể hạ thấp được, nếu các ngươi muốn có cảm giác thực sự của con cá được hóa rồng, thì hãy đi mà nhảy qua cái cửa rồng không hạ bớt chiều cao kia kìa”.
Không phải là đếm bao nhiêu quyển sách mình đọc, bao nhiêu nơi mình đi,… mà cái đích cuối cùng là sự thay đổi bản thân từ chính bên trong. Và đây cũng là điều mà mình tin là Rosie mong muốn chuyển tải.

Source: https://vh2.com.vn
Category : Đánh Giá