Networks Business Online Việt Nam & International VH2

Thực trạng tác động của Internet, thiết bị công nghệ đối với thanh, thiếu, nhi ở Việt Nam hiện nay – VỤ GIA ĐÌNH

Đăng ngày 10 July, 2022 bởi admin

Việt Nam là một trong số những nước có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin, số người sử dụng internet, mạng xã hội lớn và ngày càng tăng. Theo thống kê, đến tháng 1/2020 Việt Nam có số người sử dụng internet lên đến 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn. Kết quả một số điều tra cũng cho thấy, một bộ phận người trẻ hiện nay đang bị phụ thuộc vào Internet và mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng tự kiểm soát của một bộ phận người trẻ trong việc sử dụng Internet và mạng xã hội còn chưa cao.
Chúng ta không thể phủ nhận những ích lợi to lớn mà Internet và mạng xã hội đã mang đến cho con người. Chúng làm cuộc sống của con người hiện đại hơn, phát triển hơn, thông minh hơn, làm cho con người đến với nhau dễ dàng hơn và đây cũng là kho cung cấp tri thức của nhân loại. Internet và mạng xã hội cung cấp rất nhiều những thông tin, nội dung tư vấn, hướng dẫn con người nói chung và người trẻ nói riêng dễ dàng thực hành các hoạt động cần thiết trong cuộc sống….Mạng xã hội giúp mỗi người trong đó có thanh, thiếu niên và trẻ em tăng sự đồng cảm, quan tâm đối với những người khác thông qua các hành động yêu thích (like), chia sẻ hoặc bày tỏ các cảm xúc của bản thân đối với những bài viết, hình ảnh hay các chia sẻ của người khác. Cũng thông qua mạng xã hội, thanh, thiếu niên có nhu cầu tìm kiếm sự đồng cảm, sẻ chia, an ủi động viên của người khác bằng cách bày tỏ các cảm xúc, tâm trạng của mình.
Trên thực tế, công nghệ số đem lại nhiều lợi ích cho trẻ em. Đó là khả năng tiếp cận thông tin khổng lồ trên mạng Internet để phục vụ cho việc rèn luyện, vui chơi, giải trí. Mạng Internet đã xóa nhòa khoảng cách không gian, thời gian, đem đến cơ hội học tập và giáo dục rộng mở cho trẻ. Ngoài mục đích tìm kiếm các hoạt động mang tính giải trí thì Internet và mạng xã hội còn hỗ trợ cho các em trong việc học tập những kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông. Những phần mềm ứng dụng trong giáo dục trực tuyến trên mạng giúp trẻ em ở vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận và học tập. Với ưu thế hình ảnh, âm thanh sinh động… của các chương trình hấp dẫn và kích thích trẻ học. Hàng năm, ngành GD&ĐT tổ chức các cuộc thi giải toán, olympic tiếng Anh, thi an toàn giao thông… trên mạng Internet thu hút nhiều học sinh tham gia, trong đó không ít học sinh ở các trường vùng nông thôn và có cả học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Những năm gần đây, chúng ta còn nghe đến môn thể thao điện tử (eSports/E-sports, Electronic-Sports) là hình thức tổ chức cuộc thi chơi điện tử giữa nhiều người chơi, đặc biệt giữa những tuyển thủ chuyên nghiệp. Bắt đầu trở thành cơn sốt từ khoảng năm 2010, cho đến nay thể thao điện tử đang vươn mình trở thành một trong những nền công nghiệp phát triển nhanh và mạnh nhất thế giới. Ở Việt Nam, game cũng đã được công nhận là thể thao điện tử và đưa vào danh sách các môn thi đấu trong các cuộc thi trong nước và quốc tế.
Có thể khẳng định một điều, môi trường công nghệ số tạo tiền đề cho trẻ em phát triển khả năng, tư duy và sáng tạo hơn trong quá trình học tập, tạo cơ hội để rút ngắn khoảng cách trong việc tiếp cận thông tin, tri thức của học sinh giữa các vùng, miền. Công nghệ, đặc biệt là Internet cung cấp số lượng lớn kiến thức và trẻ em có quyền truy cập để tiếp thu, học tập và đạt được ước mơ của mình…Ngoài ra các em rất dễ dàng tìm hiểu những tri thức, kiến thức về cuộc sống và có thể thực hành các thao tác theo hướng dẫn để hoàn thành một việc mà các em mong muốn. Điều này khẳng định Internet và mạng xã hội giúp các em tự học và chủ động hơn trong việc chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng sống … Internet và mạng xã hội còn giúp cho việc học tập của các em chủ động hơn trong những hoàn cảnh đặc biệt như dịch bệnh hay thiên tai xảy ra. Cụ thể như năm học 2020 khi đại dịch COVID 19 xảy ra trên toàn cầu, các quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam phải thực hiện việc giãn cách, cách ly xã hội nhưng việc học của các em vẫn không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, cùng với những ích lợi to lớn ấy, Internet và mạng xã hội cũng mang đến nhiều tác hại, không chỉ đối với người trẻ tuổi mà còn đối với tất cả những ai không biết cách kiểm soát chúng. Trước hết, khi sử dụng các thiết bị công nghệ nhiều sẽ ảnh hướng đến thị giác của trẻ và thực tế cho thấy tỷ lệ trẻ em bị các bệnh về mắt ngày càng nhiều và ở độ tuổi nhỏ hơn nhiều so với trẻ em ở các thế hệ không dùng Internet và các thiết bị công nghệ. Bởi thực tế có nhiều trẻ nhỏ hàng ngày tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như ti vi, điện thoại, ipad, máy tính đến hàng chục giờ, nhiều em còn chơi các trò điện tử trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo hoặc các trò chơi có hiệu ứng hình ảnh tác động xấu đến mắt. Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ bị tiêm nhiễm bởi các nội dung độc hại, bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ khi kết bạn trên mạng xã hội. Một số trẻ thường bắt chước những trò chơi nguy hiểm, thậm chí là mạo hiểm trên mạng internet…Thời gian qua, trên mạng xã hội xảy ra không ít vụ việc nổi cộm như clip học sinh đánh nhau, chửi bậy… Không chỉ vậy, vì mạng xã hội là môi trường toàn cầu nên có không ít vụ việc kinh hoàng với cảnh xả súng giết người được đối thủ phạm tội phát trực tiếp (livestream), gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức non nớt của nhiều trẻ em. Thậm chí, trên môi trường mạng xã hội còn xuất hiện nhiều hoạt động nguy hiểm cho trẻ em như lập tài khoản dưới dạng hướng dẫn vượt qua thử thách rồi ép… tự tử (như “thử thách Momo”, “thử thách Cá voi xanh”)… Trẻ em sẽ rất dễ bị ảnh hưởng khi hằng ngày bên cạnh lúc nào cũng có điện thoại di động, máy nghe nhạc iPod, iPad, truyền hình cáp, Internet, video game… Nếu không được hướng dẫn sử dụng hiệu quả, an toàn, các công nghệ này dần trở thành chất “gây nghiện” vô hình ở trẻ. Nhiều trẻ không được chỉ dẫn đã trở thành nạn nhân của “kẻ săn mồi” Internet. Có trẻ nghiện video game, làm cho các em không có thời gian để tiếp xúc, kết thân, vui chơi với bạn. Điều này thật sự nguy hiểm vì sẽ làm tăng tỷ lệ các trẻ bị trầm cảm, cô đơn và tự ti khi giao tiếp với xã hội bên ngoài. Từ đó gây ra những hậu quả khôn lường như bị lừa bán sang bên kia biên giới hoặc bị xâm hại tình dục sau khi kết bạn với các đối tượng xấu trên mạng xã hội hoặc có thể bị thiệt mạng. Thời gian qua, những vụ việc đáng thương, đáng tiếc, đau lòng xảy ra với trẻ nhỏ liên quan đến mạng xã hội xảy ra khá nhiều trên phạm vi cả nước. Đây là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh trong việc nuôi, dạy con trẻ trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Source: https://vh2.com.vn
Category: Intenet