Lý thuyết Dòng điện trong chân không hay, chi tiết nhất Bài viết Lý thuyết Dòng điện trong chân không với giải pháp giải cụ thể giúp học viên ôn...
Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử và những thông tin cần biết
Thứ sáu, 12/03/2021
1. Thẻ CCCD có gắn chip điện tử là gì và ưu việt như thế nào?
Thẻ CCCD có gắn chip điện tử, còn gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Nó có giá trị chứng minh về căn cước công dân và cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.
Thẻ CCCD gắn chip điện tử về cơ bản cũng giống như thẻ CCCD mã vạch. Tuy nhiên, trên thẻ không có các dòng trạng thái thể hiện mã vạch mà nó sẽ thay thế bằng chip điện tử dung lượng lớn. Thẻ CCCD gắn chip sẽ lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay và sinh trắc học.
Thẻ CCCD gắn chip điện tử là xu thế mà nhiều nước trên thế giới hiện nay đang áp dụng vì tính ưu việt cũng như tạo sự thuận lợi khi sử dụng cho công dân. Trước hết, so với CCCD sử dụng mã vạch, CMND 09 số và 12 số bằng phôi giấy thì thẻ CCCD gắn chip bằng nhựa cứng đảm bảo độ bền lâu hơn, có độ bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ lượng thông tin lớn hơn và có thể linh hoạt, mở rộng tích hợp thêm các thông tin, dữ liệu hay dịch vụ tiện ích trong tương lai. Khi thẻ CCCD gắn chip điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin của các Bộ, ban ngành khác như: Thuế, bảo hiểm y tế, bằng lái xe và các loại giấy tờ có giá trị khác thì có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo, người dân đi giao dịch và làm các thủ tục hành chính sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí cho những thủ tục hành chính công, thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến của chính phủ điện tử. Ngoài ra, với thẻ CCCD gắn chip điện tử, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline, không cần đường truyền internet.
CCCD mã vạch, CMND 09 số và 12 số đang được sử dụng hiện nay (nguồn: Internet)
2. Ai phải đi đổi sang thẻ CCCD gắn chip và khi đổi lại có ảnh hưởng các loại giấy tờ khác không?
Theo quy định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú thì được cấp thẻ CCCD. Người bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì vẫn được cấp thẻ nhưng phải có người đại diện hợp pháp.
Những người chưa có CMND hoặc CCCD, công dân có CMND hoặc CCCD mã vạch đã hết hạn, hư hỏng, mất hoặc có thay đổi, điều chỉnh thông tin thì mới phải đổi sang CCCD gắn chip điện tử. Đối với các trường hợp CMND, CCCD mã vạch vẫn còn giá trị sử dụng và không thay đổi thông tin thì vẫn có thể tiếp tục sử dụng bình thường cho đến khi hết hạn theo Luật CCCD. Như vậy, trong thời gian tới sẽ có 04 loại giấy tờ chứng minh căn cước công dân cùng tồn tại song song là: CMND 09 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip điện tử.
Thời hạn sử dụng của CMND là 15 năm kể từ ngày cấp còn đối với thẻ CCCD (cả mã vạch và gắn chip điện tử) sau lần cấp đầu tiên công dân phải đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi và trên 60 tuổi công dân không phải đổi. Như vậy, đối với công dân đã được cấp thẻ CCCD mã vạch hoặc sau khi đổi sang thẻ CCCD gắn chip điện tử mà đến thời hạn tuổi quy định thì cũng phải đi đổi thẻ CCCD gắn chip mới.
Việc đổi sang thẻ CCCD gắn chip điện tử là hoàn toàn không ảnh hưởng đến các giấy tờ khác của công dân. Đối với công dân đã có CCCD mã vạch thì khi đổi sang CCCD gắn chip điện tử sẽ vẫn giữ nguyên số định danh của CCCD cũ. Còn đối với trường hợp công dân đổi từ CMND 09 số và 12 số sang CCCD gắn chip điện tử thì sẽ được cấp số căn cước mới cũng là số định danh cá nhân của công dân. Khi đó, cơ quan Công an nơi cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử cho công dân sẽ đồng thời cấp giấy xác nhận về việc thay đổi số CMND để công dân thuận tiện trong việc giao dịch các giấy tờ khác có liên quan đến số CMND cũ.
3. Để được cấp hoặc đổi sang thẻ CCCD gắn chip điện tử thì công dân cần những gì?
Người dân khi làm CCCD cần mang theo sổ hộ khẩu gia đình bản chính và CCCD mã vạch hoặc CMND 09 số và 12 số đang sử dụng đến cơ quan Công an cấp huyện, Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý CCCD của Bộ công an để được hướng dẫn làm thủ tục cấp CCCD theo quy định.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là để được cấp CCCD hợp lệ thì người dân phải bổ sung đầy đủ các trường thông tin bắt buộc trong sổ hộ khẩu nhất là thông tin về ngày, tháng, năm sinh, nguyên quán, dân tộc, quốc tịch… Vì vậy, người dân cần kiểm tra, đối chiếu thông tin trong sổ hộ khẩu, nếu chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, cần phải liên hệ cơ quan Công an nơi làm thủ tục đăng ký thường trú để điều chỉnh, bổ sung trước khi đi làm CCCD.
Từ tháng 01/2021, các tỉnh, thành triển khai cấp CCCD gắn chip điện tử trên toàn quốc. Các đơn vị Công an địa phương tiến hành cấp CCCD tại chỗ và lưu động đảm bảo mục tiêu hướng tới là đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp được 50 triệu thẻ CCCD.
Source: https://vh2.com.vn
Category: Điện Tử