Networks Business Online Việt Nam & International VH2

Vào “thiên đường hàng cáy”

Đăng ngày 18 May, 2023 bởi admin
“ Rẻ chợ trời, hời Cửa Lò ” là câu nói truyền miệng của nhiều hành khách và người dân địa phương khi nhắc đến “ thiên đường hàng cáy ” ở khu du lịch Cửa Lò – Nghệ An. Quả thật, về biển Cửa Lò, đến chợ hàng “ cáy ” ( hàng second hand ), tôi mới biết tiếng đồn quả thật không ngoa .

Tấp nập khách mua sắm

“Thiên đường hàng cáy” nằm trong một con hẻm dài chừng 0,5 km tại khối 5, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, chỉ cách cảng Cửa Lò vài trăm mét. Không như tình cảnh rệu rã của nhiều khu chợ đồ cũ khác mà tôi từng đến, chợ hàng “cáy” Cửa Lò vẫn tấp nập khách mua sắm…

Từ cổng nhà khách của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, tay xe ôm tên Tân nhận lời chở tôi đến chợ hàng “cáy”. Tân quảng bá: “Anh muốn mua đồ điện tử xài rồi cứ ra đó tha hồ mà chọn, không cần nhiều tiền lại được dùng đúng hàng chính gốc của các hãng nổi tiếng”.

Tân chở tôi qua khu bãi tắm ở trung tâm của khu du lịch Cửa Lò và chừng 5 phút sau, chúng tôi đã có mặt tại chợ hàng “cáy”. Tân cho biết: “Chợ này xuất hiện ở Cửa Lò cách nay hơn chục năm. Mấy năm đầu, hàng điện tử ở đây chất hàng đống cao như núi.


Một cửa hàng tại “thiên đường hàng cáy” Cửa Lò – Nghệ An

Sau này, chợ thường bị lực lượng công an, quản lý thị trường kiểm tra, truy quét nên hiện không còn mua bán công khai trắng trợn như xưa. Có dạo bị truy quét liên tục, nhiều chủ hàng đã lâm vào cảnh sập tiệm”. Dù vậy, đi một lượt suốt con hẻm của chợ hàng “cáy” Cửa Lò, tôi thấy so với các khu chợ second hand ở vùng Tân Thanh – Lạng Sơn hay chợ trời Hà Nội, nó vẫn xứng đáng xếp trên về sự bề thế và phong phú của hàng hóa.

Suốt con hẻm của chợ hàng “cáy” Cửa Lò, những cửa hiệu bán đồ điện tử mọc lên san sát. Đến đây, khách hỏi mua bất cứ loại hàng điện tử của bất kỳ một hãng tên tuổi nào của Nhật, hầu như đều có với giá thật rẻ. Quả đúng là “thiên đường hàng cáy”!

Điểm chung dễ dàng nhận thấy nhất ở chợ hàng “cáy” Cửa Lò là hàng hóa được bày bán công khai, song cửa hàng không có bảng tên, biển hiệu hoặc quảng cáo. Khách có thể vào tận kho hoặc phòng riêng để lựa chọn hàng “vừa xuống tàu” hay tìm loại đã lắp ráp, tân trang lại.

Hàng nhiều, giá rẻ, nhưng… lậu

Có lẽ chợ hàng “cáy” Cửa Lò ngày càng thu hút khách trong khi nhiều khu chợ tương tự ở các nơi khác đã dần mai một là vì hàng ở đây chính hiệu “made in Japan”. Tân lý giải: “Đến chợ Cửa Lò, khách không phải lo sợ vướng phải hàng Trung Quốc như nhiều khu chợ đồ cũ khác.

Hơn nữa, chợ này còn lôi cuốn khách bởi giá rẻ”. Quả vậy, hàng “cáy” ở đây giá thật rẻ, chỉ bằng 1/4 đồ mới, song nhìn vẫn còn mới chán. Tôi thử dọ hỏi và được biết giá một cái tủ lạnh ở đây chỉ chưa đến 1 triệu đồng, trong khi xuất xưởng phải hơn 4 triệu đồng. Cũng với 1 triệu đồng, người ta đã có thể mua được một chiếc ti vi hiệu Sony 21 inch trông còn mới toanh hay 500.000 đồng là dễ dàng sắm được một lò vi sóng hiệu Sharp chính hãng.

Ngay từ sáng sớm, chợ hàng “cáy” Cửa Lò đã nhộn nhịp kẻ mua người bán. Suốt con hẻm, nhà nào cũng chất ngập tràn đồ điện tử. Hàng hóa bày la liệt từ trong nhà ra tận hiên. Tuy không có bảng hiệu, song hễ nhác thấy bóng khách là chủ hàng đã đon đả chạy ra chào mời, lôi kéo.

Khách hàng tha hồ lựa chọn, thích thì mua, không thì đi hàng khác mà chẳng bao giờ phải nghe một lời khó chịu từ chủ hàng. “Hàng ở đây chẳng thiếu thứ gì. Ở Hà Nội có loại gì, nhà chị có hết” – một bà chủ cửa hàng ở đầu con hẻm giới thiệu với tôi. Nhìn chung, các mặt hàng bán ở đây chủ yếu là qua sử dụng nhập về từ Nhật, một số từ Malaysia hoặc Thái Lan. “Ở đây, chỉ cần khoảng 100 triệu đồng là người ta có thể mở một cửa hàng “cáy” cỡ lớn” – bà ta khẳng định.

Khách tìm đến chợ hàng “cáy” Cửa Lò đủ các thành phần, trong đó có du khách và người đến mua lẻ. Song, đông nhất vẫn là dân buôn đồ điện tử ở Nghệ An và từ các tỉnh, TP khác đến sắm hàng. Một bà chủ cửa hàng trạc ngoài 40 tuổi bảo tôi: “Chúng tôi chủ yếu dựa vào dân buôn ở các tỉnh, TP đến mua “mù” (mua hàng vừa bốc từ tàu xuống, hoàn toàn chưa bị tân trang lại – PV) theo lô; chứ khách du lịch chỉ mua sắm cho vui, bán cho họ sống sao nổi”.

Không giống với những người mua lẻ, dân buôn từ các nơi đổ về thường “đánh” hàng điện tử second hand theo kiểu mua “mù”. Dân buôn mua theo kiểu này ngon thì ăn, dở phải chịu, nhưng họ vẫn mua bởi về đa phần đều bán lại cho các tay thợ điện tử.

Họ mua hàng từ dân buôn về tân trang lại bán cho khách lời gấp chục lần. Hiến, một tay buôn hàng “cáy” ở chợ Cửa Lò, quê ở một tỉnh phía Bắc, kể: “Cứ 5 lần mua “mù” về thì thường dính một lô hàng dỏm toàn vỏ hoặc hàng đã “chết” không xài lại được”.

Tại chợ hàng “cáy” Cửa Lò, từ điện thoại, nồi cơm điện, tủ lạnh, ti vi, đầu DVD-CD, loa máy, đến máy giặt, lò vi sóng… của những hãng nổi tiếng ở Nhật như JVC, Sharp, Sony, National… hàng nào cũng đủ cả. Ngoài ra, những hàng mới của các hãng điện tử Trung Quốc cũng lác đác có mặt ở đây. Một chủ hàng tiết lộ đó là hàng ngụy trang để đối phó với lực lượng chống buôn lậu.

Thực tế, hàng “cáy” ở Cửa Lò có khối lượng khổng lồ nhưng đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nói chung là hàng lậu. Nguồn hàng đổ về đây chủ yếu từ các lái buôn đánh về tận bờ bằng tàu lớn. Thời gian gần đây, để qua mặt cơ quan chức năng, các lái buôn cho tàu đậu ngoài khơi rồi thuê các tàu nhỏ xé nhỏ hàng đưa vào bờ.

Source: https://vh2.com.vn
Category : Điện Máy