Networks Business Online Việt Nam & International VH2

Đăng ngày 30 August, 2022 bởi admin

Luật Lưu trữ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 11 tháng 11 năm 2011. Luật gồm 7 chương, 42 điều, quy định về hoạt động lưu trữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ; hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý về lưu trữ. Luật Lưu trữ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2012. Pháp lệnh lưu trữ quốc gia số 34/2001/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Một trong những nội dung cơ bản của Luật Lưu trữ  là các quy định về  hoạt động lưu trữ. Luật đã dành 3 chương với 26 điều để quy định về 03 lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ lưu trữ cơ bản là thu thập, bảo quản và tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ. Quy định cụ thể về trách nhiệm, yêu cầu đối với các nội dung như: lập hồ sơ và quản lý hồ sơ, tài liệu tại Lưu trữ cơ quan; chỉnh lý tài liệu; xác định giá trị tài liệu; thu thập tài liệu vào Lưu trữ lịch sử; trách nhiệm bảo quản tài liệu lưu trữ; quản lý tài liệu lưu trữ quý, hiếm; thống kê nhà nước về lưu trữ; hủy tài liệu hết giá trị; sử dụng tài liệu lưu trữ. Trong đó, có các vấn đề mới được quy định trong Luật Lưu trữ  như: Trách nhiệm giao, nhận hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử;  Quản lý tài liệu lưu trữ của xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, Luật còn quy định rõ việc quản lý tài liệu lưu trữ trong trường hợp cơ quan, tổ chức chia, tách, sáp nhập, giải thể; tổ chức kinh tế là doanh nghiệp nhà nước chia, tách, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi hình thức sở hữu hoặc phá sản.
Lần đầu tiên, Luật quy định các nguyên tắc, phương pháp, tiêu chuẩn xác định giá trị tài liệu và các mức thời hạn bảo quản tài liệu; quy định thành phần, phương thức làm việc của Hội đồng xác định giá trị tài liệu của cơ quan; đồng thời, quy định về thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ hủy tài liệu hết giá trị.
Các hình thức sử dụng tài liệu lưu trữ bao gồm: Sử dụng tài liệu tại phòng đọc của Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử; xuất bản ấn phẩm lưu trữ; giới thiệu tài liệu lưu trữ trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử; triển lãm, trưng bày tài liệu lưu trữ; trích dẫn tài liệu lưu trữ trong công trình nghiên cứu; cấp bản sao tài liệu lưu trữ, bản chứng thực lưu trữ. Đồng thời, quy định việc sao, chứng thực tài liệu lưu trữ.
 

Source: https://vh2.com.vn
Category : Lưu Trữ VH2