Networks Business Online Việt Nam & International VH2

Nghề sửa chữa máy nông nghiệp phát triển – Báo Cao Bằng điện tử

Đăng ngày 08 April, 2023 bởi admin

Hiện nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều ứng dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm tăng giá trị sản xuất, giảm sức lao động cho người nông dân, nhờ đó nghề sửa chữa máy nông nghiệp cũng trở nên phổ biến. Nhiều lao động đã lựa chọn nghề sửa chữa máy nông nghiệp để theo học, đặc biệt ở vùng nông thôn, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Nghề sửa chữa máy nông nghiệp phổ biến ở nông thôn.

Theo tìm hiểu, toàn tỉnh hiện có khoảng 55 nghìn máy móc các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc cơ giới hóa trong sản xuất phát triển mạnh tại các xã vùng đồng của các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh, Phục Hòa và Thành phố với các loại máy móc nông nghiệp phổ biến như máy cày, máy làm đất, máy gặt đập liên hoàn… Tuy nhiên, đa số nông dân khi mua máy móc về sử dụng chỉ được các đại lý bán máy hướng dẫn sơ qua việc vận hành nên quá trình sử dụng không tránh khỏi những thao tác sai, dẫn đến hỏng hóc, quá trình sản xuất bị đình trệ, thêm nữa liên hệ với các địa điểm bán máy và cung cấp thêm linh kiện thay thế cũng không phải điều dễ dàng. Tận dụng cơ hội này, nhiều lao động đã chọn cho mình con đường học nghề phù hợp, mang lại thu nhập ổn định. Theo đó, nhiều cửa hàng, cơ sở sửa chữa máy nông nghiệp được ra đời.
Cửa hàng chuyên sửa chữa máy móc nông nghiệp của anh Triệu Văn Thí, xóm Nà Sẳng – Nà Đâư, xã Bình Lăng (Quảng Uyên) được biết đến là một trong những cơ sở sửa chữa có uy tín ở xóm, xã. Anh Thí cho biết, với quyết tâm học nghề để sửa chữa máy cho gia đình và phát triển kinh tế, anh đã tham gia lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp trong thời gian 3 tháng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Trong quá trình học, dưới sự hướng dẫn của giáo viên Trung tâm cũng như tự tìm hiểu thêm qua sách, báo, ti vi, anh Thí nắm được các kỹ thuật cơ bản trong sửa chữa máy nông nghiệp từ cơ bản đến chuyên sâu như quy trình bảo dưỡng, vận hành máy, kỹ thuật tháo, lắp và sửa chữa hư hỏng thông thường trong quá trình vận hành các loại máy cày, máy làm đất đa năng, máy gặt đập liên hoàn và một số loại máy móc khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cuối năm 2016, anh đầu tư hơn 50 triệu đồng mở cửa hàng với đầy đủ trang thiết bị. Biết anh đã qua học nghề, bà con trong xóm, xã mang máy đến đặt cọc sửa chữa khi cửa hàng chưa khai trương. Theo anh Thí, bất kể các loại máy móc nông cụ nào sắp đưa vào vận hành như máy cày, mày gặt, máy tuốt lúa… cũng phải đưa đến để bảo dưỡng. Tại đây, anh nhập các thiết bị, phụ tùng máy móc về như: bánh lồng, lưỡi cày, nếu cần có thể tư vấn cho khách hàng lắp ngay. Được khách hàng tin tưởng, cửa hàng luôn đông khách, nhờ đó, gia đình anh có nguồn thu nhập khá ổn định, 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Nhận thấy nghề sửa chữa máy móc nông nghiệp phù hợp với bản thân và địa phương, cuối năm 2017, anh Nông Văn Chuyên, xóm Pác Đông, xã Phong Nặm (Trùng Khánh) vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 40 triệu đồng cùng số vốn liếng hai vợ chồng anh tích góp để mở cửa hàng, đầu tư đầy đủ máy móc, trang thiết bị để phục vụ việc sửa chữa sau khi anh tham gia lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp.

Anh Chuyên cho biết: “Trước đây, gia đình tôi mua máy cày, làm đất, tuốt lúa về phục vụ gia đình. Mỗi lần máy hỏng, tôi phải đưa máy đến cửa hàng sửa chữa ở các xã lân cận. Nhiều khi đang làm việc thì máy hỏng, có khi mất cả ngày chờ thợ sửa. Từ khi tham gia lớp học sửa chữa máy nông cụ, tôi đã có thể tự sửa chữa các hỏng hóc từ đơn giản đến phức tạp. Từ đó, tôi quyết định mở cửa hàng vừa giúp bà con nông dân, vừa có thêm thu nhập cho gia đình”. Từ việc sửa chữa máy móc, gia đình anh có thu nhập khá ổn định. Trừ chi phí, gia đình thu nhập trung bình trên 6 triệu đồng/tháng, những tháng vụ mùa thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Riêng năm 2018, gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng từ sửa chữa máy nông nghiệp. Giờ đây, cuộc sống của gia đình anh khá hơn trước, có điều kiện sửa sang lại nhà, mua thêm vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình. Công việc này không chỉ tạo thu nhập đáng kể cho bản thân mà anh Chuyên còn tạo điều kiện dạy nghề cho những bạn trẻ có nhu cầu.
Mặc dù là nghề phi nông nghiệp, chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng nghề sữa chữa máy nông nghiệp hiện đang là một xu hướng phù hợp và thiết thực với nhu cầu của người lao động, đặc biệt ở vùng nông thôn, qua đó nâng cao hiệu quả lao động, thúc đẩy sản xuất theo hướng hiện đại hóa, tự tạo việc làm cho bản thân, đồng thời góp phần giảm nghèo tại địa phương. 

Source: https://vh2.com.vn
Category : Dịch Vụ