Networks Business Online Việt Nam & International VH2

Bình luận về nhân vật Chí Phèo, có nhà phê bình cho rằng: Chí Phèo vừa là một gã mất trí, vừa là đầu óc sáng sủa nhất của làng Vũ Đại. Ý kiến của anh (chị) như thế nào? Từ truyện ngắn này của Nam Cao

Đăng ngày 27 May, 2023 bởi admin

2017 – 03-07 T05 : 35 : 09-05 : 00

https://vh2.com.vn/Van-hoc/binh-luan-ve-nhan-vat-chi-pheo-co-nha-phe-binh-cho-rang-chi-pheo-vua-la-mot-ga-mat-tri-vua-la-dau-oc-sang-sua-nhat-cua-lang-vu-dai-y-kien-cua-anh-chi-nhu-the-nao-tu-truyen-ngan-nay-cua-nam-cao-hay-lam-sang-to-y-kien-cua-minh-7434.html

Sách Giải

https://vh2.com.vn/uploads/sach-giai-com-logo.png

Hãy xem Nam Cao viết: “Hắn vừa đi vừa chửi, cứ rượu xong là hắn chửi…”. Có gì điên rồ hơn cách chửi của Chí Phèo? Hắn thu hẹp dần đối tượng từ xa xôi nhất, không đâu nhất, chưa đụng chạm đến ai là Trời, rồi cà khịa, xúc phạm cứ sát sạt hơn là Đời – làng Vũ Đại – tất cả những ai không chửi nhau với hắn. Nhưng trong cái cách chửi tưởng như điên rồ ấy, ta bắt gặp cái logic của một tâm lý tỉnh táo – tỉnh táo trong đau khổ cùng cực. Hắn chửi Trời? Trời nào của riêng ai! Hắn chửi người? Ai cũng nghĩ hắn chừa mình ra ! Hắn chửi để cạy miệng thiên hạ nhưng chỉ nhận lại lời đáp từ tiếng sủa của mấy con chó ! Làng Vũ Đại phải chăng đã gạt hắn ra khỏi thế giới của họ? Giá như hắn biết hát, mà khổ cho hắn hay khổ cho người, hắn lại không biết hát. Bài chửi của hắn phải chăng chính là khúc hát lộn ngược của một linh hồn méo mó, đau khổ?
 
Cuộc đời Chí Phèo có thể tạm chia thành hai chặng trước và sau khi gặp thị Nở. Chặng trước lại tách làm hai nhánh mà cái mốc của nó là nhà tù thực dân. Nhà tù biến một người lương thiện thành một tên lưu manh. Ra tù, về làng, những thế lực như Bá Kiến, Lí Cường đã làm nốt công việc cuối cùng biến tên lưu manh thành một con quỷ dữ làng Vũ Đại ! Nam Cao đã rất thành công khi miêu tả chặng đời trước của hắn như một khúc phim chớp nhoáng. Cuộc đời hắn từ khi cất tiếng khóc chào đời bên cái lò gạch cũ, vùn vụt trôi qua hai mươi năm và đến khi ra tù thì hắn chẳng còn nhớ mình bao nhiêu tuổi. Lời văn tưởng như rất lạnh lùng đã tố cáo sâu sắc tội ác của cái xã hội chỉ chực biến người thành quỷ. Và rồi đời hắn rơi mải miết vào những cơn say triền miên. Trong mắt mọi người, hắn trở thành một tên mất trí, điên khùng. Đời hắn là một cơn say dài, mênh mông. Nếu như có giây phút nào đó hắn sực tỉnh thì đó là tỉnh rượu chứ không phải tỉnh ngộ, mà tỉnh rượu thì có gì đáng nói đâu? Mãi cho đến khi gặp Thị Nở, hắn mới có được những phút giây tỉnh táo của một con người. Cuộc gặp gõ với Thị Nở cho hắn sự bừng tỉnh của lương tri, thị là bước ngoặt lớn trong đời hắn.
 
Tất nhiên, người đọc cũng nhận thấy rằng không phải gặp Thị Nở là Chí Phèo có ngay sự thức tỉnh sâu xa. Nam Cao tỏ ra rất am hiểu cái diễn biến tâm lý và đã mô tả nó rất tinh vi. Sự chung đụng xác thịt chỉ đem lại cho Chí một cơn ốm thập tử nhất sinh. Chỉ cho đến khi được hưởng sự chăm sóc mộc mạc giản dị – mà tưởng chừng không còn điều gì mộc mạc, giản dị hơn thế – của Thị Nở, thì trong Chí mới có sự thức tỉnh cần thiết. Bản chất lương thiện trong con người nông dân bị vùi lấp nay bỗng trỗi dậy, tìm về. Thị Nở là ai? Câu hỏi này có vẻ thừa? Có người cho rằng Nam Cao quá sa vào chủ nghĩa tự nhiên khi miêu tả Thị Nở xấu đến ma chê quỷ hờn như thế. Nhưng dường như Thị Nở càng xấu thì tác phẩm càng hay. Hay không phải vì Thị Nở xấu mà bởi đến một người xấu như thế mà Chí Phèo cũng không giữ được. Cực điểm tha hoá của Chí Phèo là đã phải huỷ hoại cả nhân hình lẫn nhân tính. Hắn đã phải mang trên mình bộ mặt chằng chịt sẹo, một bộ mặt gần như là của một con thú. Hắn đã phải bán đi cả linh hồn của mình để trở thành con quỷ dữ. Thủ phạm là Bá Kiên, bằng cường quyền bạo ngược của mình, Bá Kiến đã cướp đi quyền làm người của Chí. Nhưng thủ phạm lại không chỉ là cường quyền bạo ngược mà còn là một lực lượng khác không kém phần tàn bạo: định kiến của xã hội. Tiêu biểu nhất là hình tượng bà cô của Thị Nở. Bà ta dường như là cái loa phát thanh lên định kiến của làng, còn Thị Nở? Thị là hiện thân của tình thương. Đứng trước tình thương thì mọi định kiến đều tiêu tan. Chính tình thương của thị đã làm Chí thức tỉnh. Dầu chỉ có năm ngày ngắn ngủi cũng đã đủ cho hắn sống và chết như một con người, làm cho hắn trở thành người có “đầu óc sáng sủa nhất của làng Vũ Đại”. Không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao sắp xếp cho chúng ta thấy mối quan hệ của Chí với hai người đàn bà. Với bà Ba nhà Bá Kiến, hẳn phải là người xinh nhất nhì làng Vũ Đại hắn “chỉ thấy nhục chứ yêu thương gì”. Với Thị Nở, người tưởng như không có một người đàn ông nào trong làng nhìn tới, đã làm Chí cảm thấy thế nào là sống, thế nào là làm người. Phải chăng bởi bà Ba xinh tươi kia chỉ biết cướp lấy phần đời trẻ tuổi của Chí? Còn Thị Nở mới là người thực sự cho hắn hiểu thế nào là tình thương. Có một điệp khúc được lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của Rơmac: “Nhân loại thiếu đi một lòng tốt bình thường”. Cái triết lý sâu xa ấy dường như in đậm trong các tác phẩm của Nam Cao. Nếu như nhân loại có một lòng tốt bình thường thôi, thì Chí Phèo hẳn không phải là một con quỷ dữ. Và trong con người Thị Nở – một người tưởng như chẳng có gì lại tồn tại một lòng tốt bình thường.
 
Trở lại với diễn biến tâm lý của Chí Phèo, lần đầu tiên ta thấy hắn tỉnh. Trận ốm vừa qua như là một dấu hiệu của tuổi già. Một trận ốm góp phần làm thay đổi tâm lí của Chí. Lần đầu tiên hắn cảm nhận rõ thế nào là sự cô độc. Có thể nói đây là một trong những trang văn xúc động nhất của Nam Cao và cũng chính từ đây giá trị nhân đạo sâu sắc được bộc lộ. Lần đầu tiên sau 20 năm, khi Chí đã đi qua cái dốc của cuộc đời, hắn mới được nghe thấy âm thanh bình thường của cuộc sống. Tiếng những người bán vải lao xao ngoài kia dựng dậy cả một khoảng sáng trong cái đầu óc tăm tối của hắn. Hắn cũng đã từng có một giấc mơ vẽ một mái ấm hạnh phúc giản đơn mà bất cứ người nông dân nào cũng có quyền nghĩ tới. Dường như đây cũng là lúc bản chất lương thiện của hắn lần về. Thế rồi Thị Nở xuất hiện, với bát cháo hành và lần đầu tiên Chí được người khác cho. Cũng phải thôi, từ trước đến nay có ai cho hắn cái gì bao giờ, mà hắn có khi nào đợi người ta cho. Chính vì thế mà “thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt”. Cũng may mà Chí Phèo còn những giọt nước mắt ấy. Nếu không có khả năng khóc thì có lẽ lương tri của hắn cũng không có cơ hội thức tỉnh. Hình như đối với Nam Cao những giọt nước mắt là biểu hiện của tính người. Nam Cao rất tin vào những giọt nước mắt; sự thức tỉnh của các nhân vật Nam Cao đều cùng với nước mắt và bằng nước mắt. Đó là những giọt nước mắt cay đắng, chua xót bất lực và thất vọng của Hộ, là những hàng lệ chói ngời nhân cách của lão Hạc và đến bây giờ là của Chí Phèo. Sống trong bãi sa mạc khô héo tình người, tưởng như nước mắt của Chí đã hoàn toàn bị cạn kiệt. Nhưng không, trong những mạch nguồn trong trẻo của tâm hồn Chí, những giọt lệ của lương tri vẫn ứa ra nóng hổi báo hiệu sự thức tỉnh của nhân tính. Dường như vừa chạm đến tình người, con quỷ dữ trong Chí cứ lùi dần, lùi dần. Xét cho cùng biểu hiện tình thương lớn nhất của Thị Nở chính là hình ảnh bát cháo hành. Thứ cháo đơn sơ, giản dị lại được nấu bằng bàn tay Thị Nở thì chắc là… Ấy thế mà nay Chí mới được hưởng, thà có còn hơn không. Tưởng là thế nhưng than ôi, thứ hạnh phúc muộn màng mà hắn được hưởng là thứ hạnh phúc gọi lương tri hắn trở về, càng nhanh chóng đẩy bi kịch của Chí Phèo lên đến hồi chót. Bởi vì người ý thức được sự khôn khổ, tủi nhục; Ý thức được tình trạng bi đát của mình thì mới có bi kịch. Nếu hoàn toàn yên tâm với hoàn cảnh và số phận bi đát của mình thì không có bi kịch. Nhìn lại cuộc đời Chí Phèo, hắn có những gì? Chẳng có gì ngoài một con số không: không nhà cửa, không họ hàng thân thích. Thậm chí đời hắn còn là một số âm bởi hắn đâu được coi là người. Chí đã tỉnh. Lần thứ nhất để mà hy vọng. Hắn hy vọng về một cuộc sống không còn sự cô độc, hắn hy vọng vào Thị Nở, hy vọng vào sự trở về của lương tri. Lần thứ hai, hắn tỉnh ra để mà thất vọng. Cái tình người mà Thị Nở đem lại cho hắn đã bị những định kiến của bà cô giết chết một cách phũ phàng. Thị Nở – người duy nhất tách ra khỏi làng Vũ Đại, đi về phía Chí Phèo. Đến giờ Thị Nở lại quay ngoắt về phía làng Vũ Đại. Cái tình người mong manh bị định kiến thôn tính “Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái”. Nỗ lực cuối cùng của hắn để níu giữ thị đã bị gạt đi một cách phũ phàng. Thị Nở đã ngoay ngoáy đi về phía làng Vũ Đại để hắn ngồi trơ khấc thẫn thờ trong cái hố thẳm của sự tuyệt vọng. Hắn lại mang rượu ra uống bây giờ thì hắn muốn say, hắn không muôn tỉnh. Hắn hy vọng những cơn say triền miên sẽ giúp hắn quên đi nỗi tuyệt vọng đang giằng xé. Nhưng lần này hắn không say, càng uống hắn càng tỉnh. Dường như nỗi đau của hắn đã trơ ra thi gan với rượu. Và hắn “ôm mặt khóc rưng rức”. Hy vọng được mở ra từ nước mắt và tuyệt vọng cũng chìm ngập trong nước mắt.

Những trạng thái tâm lý được Nam Cao tái hiện một cách rất sống động, đầy thuyết phục bằng cả độc thoại bên trong lẫn cả lời nửa trực tiếp của tác giả. Tuy nhiên đặc sắc nhất vẫn là cách sử dụng chi tiết, mà tiêu biểu hơn cả là hơi cháo hành. “Và hắn uống. Nhưng tức quá, càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thấy thoang thoảng hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức”. Vào cái lúc tuyệt vọng nhất, hơi cháo hành lại hiện ra, hiện ra để đẩy hắn sâu hơn vào nỗi tuyệt vọng. Hắn tưởng từ nay hắn đã có được “hơi cháo hành” của riêng mình. Nào ngờ cuộc đời lại cướp nốt của hắn. Hạnh phúc đến rồi lại đi cũng mong manh như hơi cháo hành kia. Hắn đã mất rồi, mất vĩnh viễn; mất hơi cháo hành, Chí đã mất nốt cái cuối cùng. Hạnh phúc đã tuột ra khỏi tầm tay hắn và hắn bật khóc như một đứa trẻ. Nhưng tại sao hơi cháo hành cứ thoang thoảng, chập chờn hiện lên vào lúc này? Nó cứ ẩn hiện như trêu ngươi Chí Phèo. Nó hiện ra để làm đau tâm hồn Chí, để đẩy bi kịch của Chí đến cùng cực. Nếu đầu óc Chí không tỉnh táo, làm sao còn cảm nhận được dư âm ám ảnh của hơi cháo hành? Chỗ bấu víu cuối cùng của hắn thế là mất nốt. Chẳng có gì mong manh, vô nghĩa như hơi cháo hành. Vậy mà qua tấm lòng nhân hậu của Nam Cao, hơi cháo hành nhỏ nhoi, mờ nhạt ấy đã làm hằn lên một vết cứa, một vết xước trong tâm linh con người. Thế là hết, Chí từ tận cùng của tuyệt vọng đã chuyển sang niềm căm hận khôn nguôi. Và Chí xách dao đi … Một lần nữa Nam Cao tỏ ra hết sức tài hoa khi miêu tả những biến đổi trong tâm trạng Chí Phèo khi xách dao đến nhà Bá Kiến. Chúng ta ai cùng biết rằng người say không bao giờ đến những nơi mà họ định đến. Chính vì vậy, tưởng như Chí Phèo sẽ vác dao đến nhà Thị Nở, nhưng không, những bước chân dẫn hắn đến nhà Bá Kiến. Nếu hắn đến nhà Thị Nở, đâm chém hay rạch mặt ăn vạ, hắn sẽ chẳng khác nào một tên mất trí. Hắn không say, hắn tỉnh: Vì thế mà lý trí đã dẫn đường cho hắn. Mọi nẻo đường trở về cuộc đời lương thiện của Chí Phèo đã bị bịt kín. Rốt cuộc hắn chơ vơ giữa xã hội loài người. Ai bảo Chí Phèo là một gã mất trí? Khi tỉnh cùng một lúc Chí nhận ra hai sự thật phũ phàng: một là hắn đã mất hết lương thiện. Và điều thứ hai mới thật khủng khiếp: hắn có muốn làm người lương thiện cũng không được nữa rồi. Giờ đây hắn là người có đầu óc sáng sủa nhất của làng Vũ Đại. Hắn ý thức được nỗi đau của chính mình, biết tìm ra kẻ nào đã đẩy mình vào nỗi bất hạnh khôn cùng ấy. Chí rất tỉnh táo, bởi hắn ý thức được cuộc sống lương thiện là một ảo ảnh xa mờ. Làm sao hắn làm hoà được với mọi người bằng bộ mặt của một con quỷ, và một quá khứ cũng chằng chịt những vết sẹo tội lỗi như trên khuôn mặt hắn. Hắn biết tìm đâu ra lòng tin giữa cuộc đời này trong khi một người như Thị Nở cũng quay lưng lại với mình. Chính vì thế Chí tìm đến nhà Bá Kiến, quẳng vào mặt thủ phạm tàn phá cuộc đời hắn một triết lý ghê gớm “Ai cho tao làm người lương thiện”?. Ai có thể xoá đi những vết sẹo trên mặt Chí? Những câu hỏi thức tỉnh, những câu mà chính Bá Kiến, cái đầu óc lọc lõi nhất của làng Vũ Đại cũng không nghĩ ra được. Bá Kiến không thể hiểu được: làm thế nào mà Chí còn trở lại cuộc đời lương thiện được?. Giữa đám dân quê ngu ngơ, yên phận, Chí Phèo chính là người sáng suốt nhất khi nhận rõ bi kịch cuộc đời mình là do đâu; nhận rõ một điều mà đám dân kia không nhìn thấy: khi xã hội còn có cường quyền, bạo ngược, định kiến thì cuộc đời của người nông dân mãi mãi không ngóc đầu lên được. Những người dân làng Vũ Đại chứng kiến lần đến nhà Bá Kiến này của Chí cũng chỉ như bao lần trước. Họ không bao giờ hiểu được nguyên nhân tại sao Chí lại giết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình. Họ chỉ biết đứng xem và bình phẩm mà quên mất rằng vẫn còn những thế lực như Bá Kiên tồn tại ngất ngưởng trên đầu họ. Trong xã hội làng Vũ Đại, có một nhân vật tưởng như chỉ biết sống vá víu vào lề tác phẩm: ấy là Tự Lãng. Sự xuất hiện dường như mờ nhạt của Tự Lãng đã làm hằn lên một ấn tượng về sự “sáng sủa” trong đầu óc Chí Phèo. Chí Phèo và Tự Lãng là hai nhánh cây vừa song song vừa nối tiếp. Chúng ta chỉ nói đến những Năm Thọ; Binh Chức là tiền thân của Chí mà quên mất rằng trong Chí Phèo ngoài hai kẻ kia còn có Tự Lãng. Số phận đẩy Tự Lãng vào một tuổi già cô độc, trơ trọi, khốn cùng và Tự Lãng đã đầu hàng số phận, đã đặt những bước chân đầu tiên vào con đường tha hoá. Cột mốc đầu tiên ấy là rượu, người bạn câm lặng nhưng tin cậy duy nhất, chỉ có rượu biết cảm thông, chia sẻ đau khổ cùng lão; Chí cũng vậy, cho nên hắn nhận ra ở Tự Lãng một tri kỷ. Chí Phèo và Tự Lãng, hai kẻ vật vờ trong đời, một là nạn nhân của số phận, một là nạn nhân của xã hội. Nhưng, ở Tự Lãng, khát vọng sống đã tắt lịm. “Ai chết cũng thành cái mả, cái mả tất”, ấy là triết lý về sự vô nghĩa của kiếp người. Không thiết sống, lão tự đầu độc mình bằng rượu để chết mòn. Còn ở Chí Phèo, khát vọng sống chưa tắt hẳn. Câu “người ta đứng lên bằng gì?” là một triết lý líu lưỡi của một kẻ tỉnh đời. Bị ném vào giữa khổ đau, Tự Lãng muốn đứng lên đấy chứ, nhưng lão bị rượu đánh gục. Còn Chí Phèo, hắn vẫn đứng dậy sau khi tỉnh, rượu cũng bất lực không thế làm tê liệt được Chí. Hắn đứng dậy để trả lời cho câu hỏi “Người ta đứng lên bằng gì?” của Tự Lãng. Hắn đứng dậy để tách xa phần CON, đi về phía phần NGƯỜI. Vậy thì ai dám bảo Chí Phèo là một gã mất trí chứ?.

Văn bản nghệ thuật, tự nó không cần sự giải thích nào. Bởi bản thân ngôn từ đã toát lên những gì nó muốn truyền tải. Người đọc phải ngả mũ, kính trọng trước “bậc thầy về ngôn ngữ” như Nam Cao. Ai đã từng đọc “Lão Hạc” hẳn vẫn còn nhớ mãi câu nói “Chao ôi, đối với những người xung quanh ta, nếu ta không cố hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn”. Nam Cao đã sống đúng như những gì ông viết. Nếu không có một tình thương sâu sắc đối với những kiếp người khốn khổ, làm sao Nam Cao còn tìm thấy được bóng dáng con người trong con quỷ Chí Phèo?
 
Chí Phèo chết, nhưng không đè nặng lên tim người đọc, bởi dẫu sao Chí Phèo cũng là một con người. Chí dẫu có trở thành bóng ma thơ thẩn trong các ngõ tranh lênh láng đói nghèo của làng Vũ Đại ngày ấy, nhàu nát khổ đau nhưng vẫn cháy bỏng khát vọng được sống như một con người.
 
T. Sêkhôp đã từng nói: “một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”. Câu nói đó rất đúng với Nam Cao. Ông đã ngã xuống ở tuổi đời còn rất trẻ, trong lúc bút lực còn rất sung mãn. Biết đâu trong trái tim ông lại đang ấp ủ dự định về một tác phẩm “vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn” là “tác phẩm chung cho tất cả loài người. Nó chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn”. Hãy thử tưởng tượng xem khoảng trống mà Nam Cao để lại cho văn học Việt Nam sẽ lớn thế nào nếu không có “Chí Phèo”.

Source: https://vh2.com.vn
Category : Đánh Giá