Networks Business Online Việt Nam & International VH2

Một số đánh giá và góp ý hoàn thiện dự thảo luật hợp tác xã sửa đổi

Đăng ngày 05 June, 2023 bởi admin

Một số nhìn nhận và góp ý hoàn thành xong Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi

Tóm tắt: Luật Hợp tác xã (HTX) 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 thay thế Luật HTX 2003 đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị, nguyên tắc của HTX trên thế giới. Tuy nhiên, trải qua gần 10 năm triển khai thực hiện, cho đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được thì Luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX. Do đó, Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đã ra đời và đánh dấu bước tiến bộ trong hoạt động lập pháp. Xuất phát từ thực tiễn này, bài viết sẽ phân tích, đánh giá những điểm mới của Dự thảo Luật HTX sửa đổi, từ đó, đưa ra một số góp ý nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lí thống nhất, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Từ khóa: Dự thảo Luật HTX; kinh tế tập thể, HTX.

 
SOME REVIEWS ON THE REVISED DRAFT LAW ON COOPERATIVES AND SUGGESTIONS TO COMPLETE


Abstract: The 2012 Cooperative Law passed by the National Assembly on 20/11/2012 replaces the 2003 Cooperative Law, which institutionalizes the Party and State’s guidelines on continuing to innovate, improve collective economic efficiency, and get closer to the nature, principle and values of cooperatives in the world. However, over nearly 10 years of implementation, so far, in addition to the results achieved, this Law has revealed many limitations that need to be amended and supplemented to suit the current situation, especially in the context of promoting collective economic development,  cooperatives. Therefore, the Draft Law on Cooperatives (amended) was born and marked a step forward in legislative activity. Stemming from this practice, the article will analyze and evaluate the new points of the revised Draft Law on Cooperatives, thereby, giving some suggestions to complete the unified legal basis, promote cooperatives and collective economic development.

Keywords: Draft Law on Cooperatives; collective economy, cooperatives.
 
Đặt vấn đề

Kinh tế tập thể hay HTX ở Việt Nam được hình thành từ rất lâu, hoạt động và phát triển qua từng thời kì khác nhau, gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế. Các quy định về kinh tế HTX được điều chỉnh bởi Luật HTX 2012. Luật này ra đời được xem là sự đột phá cho việc phát triển mô hình HTX kiểu mới, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lí dân chủ, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu của HTX

1

. Luật HTX 2012 đã thể hiện rõ hơn về bản chất, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX; quy định điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thành viên HTX một cách đầy đủ. Trải qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật HTX 2012 trở thành một công cụ pháp lí nền tảng giúp kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, công tác quản lí nhà nước đối với mô hình này cũng đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế, luật này vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập, gây ra nhiều khó khăn trong quản lí nhà nước đối với mô hình HTX, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Qua đó, đòi hỏi các nhà lập pháp phải nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện kịp thời chính sách pháp luật để phù hợp hơn với thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế HTX phát triển một cách toàn diện, hiệu quả.
 


 Kinh tế HTX giữ một vị trí đặc biệt quan trọng quan trọng trong quy trình chuyển dời cơ cấu tổ chức kinh tế tài chính, tăng trưởng sản xuất, tạo nhiều thời cơ việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ( Nguồn : Internet )


1. Sự cần thiết của việc sửa đổi toàn diện Luật HTX 2012

Triển khai thực hiện Luật HTX 2012 đã tạo nên hành lang pháp lí đầy đủ, chặt chẽ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế HTX. Những kết quả đạt được khi áp dụng Luật HTX 2012 như sau:

Thứ nhất, về mặt chính trị, Luật HTX 2012 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình lập pháp và xây dựng pháp luật, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật HTX nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, giải pháp đẩy mạnh việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, mô hình HTX. Cụ thể, các hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu quản lí HTX đạt được một số kết quả như sau:

– Công tác xây dựng, ban hành, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX, tuyên truyền về mô hình HTX kiểu mới cho cán bộ quản lí nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, thành viên, người lao động trong HTX và các tầng lớp nhân dân được thực hiện khá đầy đủ ở Trung ương và địa phương dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng

2

. Triển khai hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, tuyên truyền trên báo, đài, tổ chức các cuộc thi giữa khu vực với nhau từ quy mô huyện, tỉnh và mở rộng quy mô cả nước phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền trực tiếp mang lại hiệu quả cao, đảm bảo thông tin được lan rộng, người dân tiếp cận được một cách nhanh chóng và chính xác.


– Đẩy mạnh hoạt động đào tạo đội ngũ cán bộ tư vấn, kiểm tra, theo dõi việc thi hành Luật HTX. Bằng việc phối hợp các ban, ngành, đoàn thể mở lớp huấn luyện, hướng dẫn cán bộ trong việc tư vấn nắm bắt tình hình hoạt động của HTX, từ đó, công tác quản lí ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn, chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTX chuyển biến tích cực.

Thứ hai, về mặt xã hội, Luật HTX luôn đảm bảo nguyên tắc tự nguyện bình đẳng, thành viên có quyền gia nhập, rút khỏi HTX; có quyền bình đẳng ngang nhau, không phụ thuộc vào khả năng góp vốn trong việc quyết định tổ chức, quản lí và hoạt động của HTX. Kết quả này đã khẳng định rõ ràng việc thực hiện nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX và phù hợp với nhu cầu dân chủ của xã hội. Luật HTX điều chỉnh làm xuất hiện mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội 

3

.


Thứ ba, về mặt kinh tế, HTX bước đầu thể hiện chuyển biến về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Cụ thể, năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỉ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng với 61% và 88% so năm 2013

4

. Năm 2021 cả nước có 27.445 HTX, liên hiệp HTX, tăng khoảng 41 % so với năm 2013, số lao động thường xuyên duy trì khoảng 1,1 – 1,2 triệu lao động/năm

5

. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 29.021 HTX; 125 liên hiệp hợp tác xã, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng đáng kể và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp

6

. Qua đó, kinh tế HTX ngày càng trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế của nước ta. Ngoài ra, các HTX cũng ngày càng chủ động hội nhập quốc tế, tích cực tham gia xuất nhập khẩu nông sản, sản phẩm công nghiệp chất lượng cao ra thị trường quốc tế, tạo nên nguồn thu cho đất nước.


Như vậy, Luật HTX 2012 ra đời đã đánh dấu sự phát triển cho kinh tế tập thể, mô hình HTX được áp dụng rộng rãi và mang lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong quá trình thi hành Luật HTX 2012 vào thực tiễn có một số bất cập, thách thức bộc lộ, đòi hỏi cần phải sửa đổi sao cho phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể:

– Quản lí nhà nước đối với HTX còn nhiều bất cập. Hiện nay, điểm yếu của các HTX chủ yếu là vấn đề quy mô nhỏ, hạn chế về vốn để mở rộng quy mô cũng như đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, cán bộ quản lí có trình độ chuyên môn chưa cao; năng lực quản lí của các cơ quan chuyên môn cũng còn nhiều hạn chế. Một số cơ quan quản lí nhà nước tại địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển mô hình HTX, chưa sát sao trong việc chỉ đạo, giám sát hoạt động của các HTX

hoặc có hoạt động kiểm tra giám sát nhưng lại thiếu tính thường xuyên. Mặc dù các hoạt động quản lí của Nhà nước được xem là một trong những nhân tố quan trọng trong thúc đẩy phát triển mô hình HTX, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới như hiện nay, nhưng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tiềm năng phát triển của HTX không được khai thác triệt để; hiệu quả hoạt động sản xuất chưa được đảm bảo.   


– Luật HTX 2012 ra đời là một bước đột phá. Tuy nhiên, Luật này vẫn còn nhiều quy định đã lạc hậu, gây nên sự chồng chéo, cản trở sự phát triển của HTX. Bởi sau khi Luật HTX ban hành đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Dân sự 2015; Luật Đất đai 2013; Luật Chuyển giao công nghệ 2017; Luật Doanh nghiệp 2020… Những quy định mới của các văn bản quy phạm pháp luật có thể là trở ngại cho hoạt động và phát triển của kinh tế tập thể, HTX. Cụ thể Luật HTX 2012 quy định HTX, liên hiệp HTX thực hiện hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp được hưởng chính sách giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về đất đai. Tuy nhiên theo Luật Đất đai 2013 quy định tại Điều 54 và Điều 55 thì không quy định giao đất cho tổ chức kinh tế là HTX và liên hiệp HTX, chỉ quy định như sau: “Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê”

8

. Đây là bất cập về sự chồng chéo của pháp luật, chưa có sự thống nhất khiến cho việc thi hành gặp nhiều khó khăn.


– HTX chưa thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng thụ hưởng của một số chính sách, chưa đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng với các doanh nghiệp. Điều này đã tạo ra nhiều cản trở cho các HTX khi gia nhập vào thị trường trong một số lĩnh vực kinh doanh. Ví dụ, một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chỉ có doanh nghiệp được phép tham gia mà HTX lại không được tham gia

9

. Từ đó, tạo nên rào cản cho sự phát triển của HTX vì bị bó hẹp trong các quy định của Luật Doanh nghiệp, làm mất đi tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX được điều chỉnh bởi Luật HTX. 


– Quy định về giải thể HTX trong Luật HTX 2012 còn phức tạp dẫn đến nhiều bất lợi, khó khăn trong việc rút khỏi thị trường của các HTX. Ngoài ra, luật này cũng chưa có các quy định cụ thể về kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập đối với HTX. Nói cách khác, Luật HTX 2012 chưa xem việc kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập như một loại hình dịch vụ công hỗ trợ hợp tác nâng cao năng lực quản trị, phù hợp với bản chất, cơ chế, mục tiêu hoạt động và trình độ phát triển của HTX như pháp luật một số nước quy định nhiệm vụ kiểm toán do các tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của HTX, liên hiệp HTX thực hiện

10

.


Như vậy, Luật HTX 2012 sau gần 10 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn không ít bất cập. Các bất cập này tập trung chủ yếu ở khía cạnh quy định về trình độ quản lí nhân lực, chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan nhà nước. Công tác thi hành, kiểm tra, giám sát hoạt động của kinh tế tập thể, HTX vẫn còn thiếu tính năng động sáng tạo; quy định của pháp luật vẫn còn chồng chéo, chưa mở rộng và chưa tạo hành lang pháp lí vững chắc cho kinh tế tập thể, HTX. Vì thế, Luật HTX 2012 cần được nghiên cứu sửa đổi và hoàn thiện kịp thời cho phù hợp với tình hình phát triển của thực tiễn, thúc đẩy nền kinh tế nói chung và kinh tế tập thể, HTX nói riêng phát triển toàn diện, hiệu quả.

2. Điểm mới của Dự thảo Luật HTX sửa đổi

Dự thảo Luật HTX sửa đổi (Dự thảo) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã giải quyết được những khó khăn, bất cập trước Luật HTX 2012,  cũng như mở ra nhiều tiềm năng phát triển đối với mô hình kinh tế này. Các sửa đổi này tập trung chủ yếu ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng áp dụng. Về phạm vi điều chỉnh, nếu như tại Điều 1 Luật HTX 2012 chỉ điều chỉnh đối với việc thành lập, tổ chức và hoạt động của HTX, liên hiệp HTX trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế thì đến Dự thảo, phạm vi điều chỉnh đã mở rộng hoạt động tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan; chính sách của Nhà nước; nhiệm vụ của cơ quan quản lí nhà nước và tổ chức đại diện.

Về đối tượng áp dụng, Dự thảo đã sử dụng thuật ngữ các tổ chức kinh tế hợp tác để chỉ cho các chủ thể gồm tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và liên đoàn HTX. Nói cách khác, hai mô hình kinh tế tập thể đã được bổ sung trong Dự thảo mà Luật HTX 2012 chưa quy định, đó là tổ hợp tác và Liên đoàn HTX (khoản 28 Điều 4 Dự thảo).

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng như bổ sung đối tượng áp dụng cho thấy những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn áp dụng pháp luật. Nói cách khác, mở rộng phạm vi sang các chính sách của Nhà nước, nhiệm vụ của cơ quan quản lí nhà nước, tổ chức đại diện để phục vụ cho công tác quản lí nhà nước đối với các mô hình kinh tế tập thể được thực hiện có hiệu quả. Đây được xem là quy định tiền đề cho các điều luật cụ thể, công nhận sự hiện diện của các cơ quan trong hoạt động quản lí nhà nước. Bên cạnh đó, việc thống nhất các tổ chức thành một tên gọi là các tổ chức kinh tế hợp tác đã thể hiện rõ bản chất của các mô hình là kinh tế hợp tác. Ngoài ra, việc bổ sung hai mô hình mới thể hiện rõ sự tiếp thu mô hình của các quốc gia trên thế giới. Theo kinh nghiệm quốc tế, ở nhiều nước, một mô hình được gọi là liên đoàn HTX được thành lập, nó là một tổ chức đại diện HTX ở cấp đơn vị hành chính

11

.


Thứ hai, điều kiện thành lập các tổ chức kinh tế hợp tác đã được nới lỏng. Theo đó, điều kiện quy định về số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập đã được giảm. Đối với HTX, số lượng thành viên từ ít nhất 07 thành viên (khoản 1 Điều 3 Luật HTX 2012) xuống còn ít nhất 05 thành viên (khoản 11 Điều 4 Dự thảo); với liên hiệp HTX, số lượng ít nhất 04 HTX (khoản 2 Điều 3 Luật HTX 2012) xuống còn ít nhất 03 HTX (khoản 12 Điều 4 Dự thảo). Ngoài việc sửa đổi quy định về điều kiện đối với số lượng thành viên của HTX và liên hiệp HTX thì Dự thảo cũng đã quy định về điều kiện thành lập đối với tổ hợp tác (khoản 32 Điều 4 Dự thảo) và liên đoàn HTX (khoản 13 Điều 4 Dự thảo). Những sửa đổi, bổ sung trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế hợp tác trong quá trình thành lập, nói cách khác, dễ dàng hơn khi gia nhập vào thị trường kinh tế tập thể.

Thứ ba, bổ sung nội dung về kiểm toán. Tại Điều 98 Dự thảo đã quy định các đối tượng sau bắt buộc phải thực hiện việc kiểm toán độc lập, cụ thể: HTX có quy mô vừa và lớn; HTX có thành viên là pháp nhân tham gia; liên hiệp HTX, liên đoàn HTX; tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân có hoạt động tín dụng nội bộ; tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân đề nghị tiếp nhận các chính sách phát triển của Nhà nước theo quy định; kiểm toán theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức khi hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cho vay đối với tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân; tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân phải thực hiện kiểm toán độc lập do Điều lệ và pháp luật khác quy định. Có thể thấy rằng, Dự thảo đã chú trọng đến các rủi ro về tài chính của các tổ chức kinh tế hợp tác bằng các quy định cụ thể về đối tượng áp dụng kiểm toán độc lập, nội dung kiểm toán và tổ chức kiểm toán (Điều 100 Dự thảo); phạm vi và tần suất kiểm toán (Điều 101 Dự thảo). Các quy định này đã góp phần nâng cao công tác quản trị cũng như dự báo các rủi ro có thể phát sinh để có giải pháp ứng phó kịp thời đối với các tổ chức kinh tế hợp tác mà trong Luật HTX 2012 chưa có quy định.

Thứ tư, bổ sung điều luật về Hệ thống thông tin quốc gia của các tổ chức kinh tế hợp tác. Luật HTX 2012 chưa quy định về vấn đề này. Theo đó, Hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác được xây dựng thống nhất từ Trung ương đến địa phương; được chuẩn hóa để cập nhật, khai thác và quản lí bằng công nghệ thông tin. Tổ chức, cá nhân cập nhật, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác thực hiện theo quy định pháp luật (Điều 12 Dự thảo). Đây được đánh giá là điểm mới phù hợp với bối cảnh công nghệ, chuyển đổi số như hiện nay. Thực tế, công nghệ thông tin và các ứng dụng khoa học đang được ứng dụng rộng rãi ở hầu hết các lĩnh vực, việc Luật HTX 2012 không quy định về ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến tổ chức kinh tế hợp tác là một thiếu sót.

Thứ năm, các quy định về nội dung quản lí nhà nước đã được hoàn thiện. Theo đó, tại Điều 108 Dự thảo quy định chi tiết hai nội dung quản lí là: Xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trên quy mô cả nước và ở từng ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương (khoản 1 Điều 108 Dự thảo); xây dựng, ban hành, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách, giải pháp nhằm phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác (khoản 1 Điều 108 Dự thảo) và bổ sung một nội dung quản lí mới là xây dựng, quản lí và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về tổ chức kinh tế hợp tác (khoản 6 Điều 108 Dự thảo). Các quy định về nội dung quản lí nhà nước đối với tổ chức kinh tế hợp tác đã hoàn thiện hơn so với Luật HTX 2012 hướng đến mục tiêu quản lí toàn diện và hiệu quả các khía cạnh của tổ chức kinh tế hợp tác cũng như góp phần nâng cao tiềm lực cũng như khả năng phát triển của các tổ chức này trong bối cảnh hiện nay.

Dự thảo Luật HTX sửa đổi được đánh giá là bước đột phá của hoạt động lập pháp khi nhiều quy định của Luật HTX 2012 được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nhằm thích ứng với bối cảnh của thời đại. Đây cũng chính là cơ sở vững chắc giúp cho các tổ chức kinh tế hợp tác trên thực tế hoạt động có hiệu quả khi có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các công cụ pháp lí mà cụ thể là Luật HTX cùng các chính sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Một số góp ý đối với Dự thảo Luật HTX sửa đổi

Dự thảo Luật HTX sửa đổi mặc dù được đánh giá là có nhiều điểm mới nổi bật, góp phần giải quyết các khó khăn, bất cập còn tồn tại khi áp dụng Luật HTX 2012 trên thực tế nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng, một số nội dung của Dự thảo hiện tại vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Do đó, bằng việc chỉ ra một số điểm còn thiếu sót trong quy định của Dự thảo, nhóm tác giả đưa ra một số góp ý, cụ thể:

Thứ nhất, nhiều quan điểm góp ý xoay quanh vấn đề tên gọi của Dự thảo. Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm giữ tên gọi như cũ là Luật HTX, trong đó, có quan điểm của PGS.,TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ông nhận định: Không nên đổi tên Luật HTX thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác vì khái niệm hợp tác mang tính tương đồng với Luật của các nước để hội nhập và rộng hơn khái niệm các tổ chức kinh tế hợp tác vì bao hàm cả nội dung hàm phát xã hội, tương trợ mà các tổ chức thuần túy kinh tế không đảm nhận được. Hay các chuyên gia cũng đồng ý với quan điểm này trên cơ sở hệ thống chính trị và việc người dân đã quen với cách sử dụng của tên gọi này, thuận lợi cho tuyên truyền phổ biến và áp dụng pháp luật

12

. Do vậy, một khi đổi tên Luật cũng đồng nghĩa rằng, người dân sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu đúng, hiểu rõ các thuật ngữ có liên quan. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm tác giả, việc đổi tên Luật là hoàn toàn phù hợp. Như đã đề cập, Dự thảo không chỉ đề cập hai đối tượng là HTX và liên hiệp HTX mà còn bổ sung thêm hai đối tượng là tổ hợp tác và liên đoàn HTX. Do vậy, nếu như vẫn giữ tên gọi Luật HTX thì trước tiên và thấy rõ nhất là không thể bao hàm hết các đối tượng đã bổ sung. Nói cách khác, việc đổi tên Luật HTX thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác sẽ đảm bảo được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Dự thảo. Nó phản ảnh đúng và đủ bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế hợp tác trong nền kinh tế thị trường hiện đại và dần xóa bỏ các định kiến đối với mô hình HTX kiểu cũ

13

.


Thứ hai, vấn đề về kiểm toán đối với các tổ chức kinh tế hợp tác. Kiểm toán là công việc rất quan trọng nhằm tạo ra sự minh bạch và phản ánh khả năng tài chính của các tổ chức kinh tế hợp tác cho các thành viên cũng như các đối tác. Mặc dù Dự thảo đã quy định chi tiết về kiểm toán so với Luật HTX 2012 nhưng nó vẫn chưa hoàn thiện. Thực tế hiện nay, đa số các HTX không thực hiện kiểm toán do mất thời gian, tốn kém chi phí, nội dung khó hiểu so với trình độ của người quản lí cũng như giá trị của báo cáo kiểm toán đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh

14

 chưa được nhìn nhận đúng mức. Tại khoản 8 Điều 19 Dự thảo quy định, Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí kiểm toán cho các HTX có quy mô siêu nhỏ, nhỏ khi được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Để giải quyết thiếu sót này, Dự thảo ngoài các điều khoản về kiểm toán đã được quy định thì cần bổ sung quy định về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác thực hiện kiểm toán, cụ thể là mở rộng phạm vi đối tượng được hỗ trợ và loại hỗ trợ bên cạnh chi phí.


Thứ ba, hoàn thiện quy định Hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác. Tại khoản 10 Điều 4 Dự thảo quy định, Hệ thống thông tin quốc gia về tổ chức kinh tế hợp tác là hệ thống thông tin quốc gia về đăng kí, hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và vận hành, bao gồm: Cổng thông tin về đăng kí, hoạt động tổ chức kinh tế hợp tác, cơ sở dữ liệu về tổ chức kinh tế hợp tác, cơ sở dữ liệu liên quan và hạ tầng kỹ thuật hệ thống. Tuy nhiên, các quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác thì lại chưa được cụ thể hóa qua các điều khoản mà chỉ mới dừng lại ở việc ghi nhận sự tồn tại của Hệ thống này. Nói cách khác, Dự thảo chưa có các quy định hướng dẫn xây dựng Hệ thống, các nguyên tắc sử dụng hay trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, tổ chức có liên quan đối với Hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác. Điều này dẫn đến tình trạng luật có quy định nhưng không có hướng dẫn áp dụng, gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức liên quan khi sử dụng Hệ thống và các trách nhiệm pháp lí có liên quan. Do vậy, tác giả đề xuất cần bổ sung các quy định cụ thể về Hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác gồm các nội dung về cách thức, nguyên tắc xây dựng Hệ thống, chủ thể chịu trách nhiệm quản lí Hệ thống, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức kinh tế hợp tác khi sử dụng Hệ thống…

Thứ tư, bổ sung một số quy định về quản lí nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác. Dự thảo đã hoàn thiện hơn về các quy định về quản lí nhà nước đối với tổ chức kinh tế hợp tác so với Luật HTX 2012, tuy nhiên, để nâng cao vai trò và hiệu quả các của mô hình kinh tế hợp tác thì Dự thảo cần bổ sung thêm một số quy định về hoạt động quản lí của các cơ quan nhà nước, có thể bao gồm nội sau: (i) Thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của các tổ chức kinh tế hợp tác đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và của từng địa phương; (ii) Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ và giám sát hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn

15

. Việc bổ sung này sẽ tăng trách nhiệm quản lí của các cơ quan đối với các tổ chức kinh tế hợp tác, đồng thời giúp nâng cao ý thức về tiềm năng phát triển cho chính các tổ chức kinh tế hợp tác, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.


Kết luận      
 
Kinh tế HTX giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tạo nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, là cơ sở cho việc phát triển sự ổn định về chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, Luật HTX 2012 hiện nay đã cho thấy những bất cập, khó khăn khi áp dụng để điều chỉnh các hoạt động phát sinh từ mô hình kinh tế HTX. Do vậy, việc sửa đổi Luật HTX 2012 là cấp thiết. Bên cạnh những điểm mới, các sửa đổi, bổ sung quan trọng và được đánh giá là nổi bật, phù hợp thì vẫn còn nhiều nội dung chưa thật sự hoàn thiện. Do vậy, tác giả đã đề xuất một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định nhằm hoàn thiện hơn các nội dung trong Dự thảo, góp phần nâng cao hiệu quả của các tổ chức kinh tế hợp tác trên thực tế.

1Phạm Việt Dũng (2022), “Phát triển mô hình HTX kiểu mới: Nhìn từ thực tiễn tỉnh Thái Bình”, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825244/phat-trien-mo-hinh-hop-tac-xa-kieu-moi–nhin-tu-thuc-tien-tinh-thai-binh.aspx, truy cập ngày 01/3/2023.
2Minh Ngọc (2022), “Sửa đổi Luật HTX 2012 có ý nghĩa quan trọng, mang tính đột phá”, https://baochinhphu.vn/sua-doi-luat-hop-tac-xa-nam-2012-co-y-nghia-quan-trong-mang-tinh-dot-pha-102220215130401464.htm, truy cập ngày 01/3/2023.
3Tùng Linh (2020), “Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thập kỉ mới”, https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=48468&idcm=64, truy cập ngày 01/3/2023.
4Nguyễn Hòa (2020), “10 năm thi hành Luật HTX: Chuyển biến mạnh cả về lượng và chất”, https://congthuong.vn/10-nam-thi-hanh-luat-hop-tac-xa-chuyen-bien-manh-ca-ve-luong-va-chat-172082.html, truy cập ngày 01/3/2023.
5Nguyễn Hòa (2020), “10 năm thi hành Luật HTX: Chuyển biến mạnh cả về lượng và chất”, https://congthuong.vn/10-nam-thi-hanh-luat-hop-tac-xa-chuyen-bien-manh-ca-ve-luong-va-chat-172082.html, truy cập ngày 01/3/2023.
6Nguyễn Hòa (2020), “10 năm thi hành Luật HTX: Chuyển biến mạnh cả về lượng và chất”, https://congthuong.vn/10-nam-thi-hanh-luat-hop-tac-xa-chuyen-bien-manh-ca-ve-luong-va-chat-172082.html, truy cập ngày 01/3/2023.
7Trung tâm TT&DVTC (2020), “Thực trạng áp dụng Luật HTX sau gần 10 năm thực hiện: Những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính”, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM184664, truy cập ngày 01/3/2023.
8Điểm đ khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai 2013.
9Phạm Thị Hồng Yến – Các Cộng sự, “Sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một số kiến nghị chính sách”, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/826202/su-phat-trien-cua-khu-vuc-kinh-te-tap-the%2C-hop-tac-xa-trong-boi-canh-viet-nam-tham-gia-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-va-mot-so-kien-nghi-chinh-sach.aspx, truy cập ngày 01/3/2023.
10Văn Phúc (2022), “Đề xuất sửa đổi Luật HTX sau 10 năm thi hành”, https://www.sggp.org.vn/de-xuat-sua-doi-luat-hop-tac-xa-sau-10-nam-thi-hanh-854761.html, truy cập ngày 01/3/2023.
11Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), “Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách Luật HTX (sửa đổi)”, tr. 10.
12 Quảng Tuệ (2022), “Luật HTX phải tạo thành lang pháp lí thông thoáng cho các tổ chức kinh tế hợp tác”, https://vneconomy.vn/luat-hop-tac-xa-phai-tao-hanh-lang-phap-ly-thong-thoang-cho-cac-to-chuc-kinh-te-hop-tac.htm, truy cập ngày 01/3/2023.
13 Lê Anh (2022), “Đổi tên Luật HTX (sửa đổi) thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác: Còn nhiều quan điểm khác nhau”, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-tuc.aspx?ItemID=68106&CategoryId=0, truy cập ngày 01/3/2023.
14Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), “Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách Luật HTX (sửa đổi)”, tr. 24.
15Nguyễn Minh Đức (2022), “Một số nội dung cần nghiên cứu, bổ sung trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi)”, https://kinhtevadubao.vn/mot-so-noi-dung-can-nghien-cuu-bo-sung-trong-du-thao-luat-hop-tac-xa-sua-doi-24451.html, truy cập ngày 05/12/2022.

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật HTX 2012.
2. Luật Đất đai 2013.
3. Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
4. Lê Anh (2022), “Đổi tên Luật HTX (sửa đổi) thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác: Còn nhiều quan điểm khác nhau”, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-tuc.aspx?ItemID=68106&CategoryId=0, truy cập ngày 01/3/2023.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), “Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách Luật HTX (sửa đổi)”.
6. Phạm Việt Dũng (2022), “Phát triển mô hình HTX kiểu mới: Nhìn từ thực tiễn tỉnh Thái Bình”, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825244/phat-trien-mo-hinh-hop-tac-xa-kieu-moi–nhin-tu-thuc-tien-tinh-thai-binh.aspx, truy cập ngày 01/3/2023.
7. Nguyễn Minh Đức (2022), “Một số nội dung cần nghiên cứu, bổ sung trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi)”, https://kinhtevadubao.vn/mot-so-noi-dung-can-nghien-cuu-bo-sung-trong-du-thao-luat-hop-tac-xa-sua-doi-24451.html, truy cập ngày 01/03/2023.
8. Nguyễn Hòa (2020), “10 năm thi hành Luật HTX: Chuyển biến mạnh cả về lượng và chất”, https://congthuong.vn/10-nam-thi-hanh-luat-hop-tac-xa-chuyen-bien-manh-ca-ve-luong-va-chat-172082.html, truy cập ngày 01/3/2023.
9. Tùng Linh (2020), “Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thập kỉ mới”, https://www.mpi.gov.vn, truy cập ngày 01/3/2023.
10. Minh Ngọc (2022), “Sửa đổi Luật HTX 2012 có ý nghĩa quan trọng, mang tính đột phá”, https://baochinhphu.vn/sua-doi-luat-hop-tac-xa-nam-2012-co-y-nghia-quan-trong-mang-tinh-dot-pha-102220215130401464.htm, truy cập ngày 01/3/2023.
11. Văn Phúc (2022), “Đề xuất sửa đổi Luật HTX sau 10 năm thi hành, https://www.sggp.org.vn/de-xuat-sua-doi-luat-hop-tac-xa-sau-10-nam-thi-hanh-854761.html, truy cập ngày 01/3/2023.
12. Quảng Tuệ (2022), “Luật HTX phải tạo thành lang pháp lí thông thoáng cho các tổ chức kinh tế hợp tác”, https://vneconomy.vn/luat-hop-tac-xa-phai-tao-hanh-lang-phap-ly-thong-thoang-cho-cac-to-chuc-kinh-te-hop-tac.htm, truy cập ngày 01/3/2023.
13. Trung tâm TT&DVTC (2020), “Thực trạng áp dụng Luật HTX sau gần 10 năm thực hiện: Những vấn đề đặt ra đối vói chính sách tài chính”, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM184664, truy cập ngày 01/3/2023.
14. Phạm Thị Hồng Yến, “Sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một số kiến nghị chính sách”, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/826202/su-phat-trien-cua-khu-vuc-kinh-te-tap-the%2C-hop-tac-xa-trong-boi-canh-viet-nam-tham-gia-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-va-mot-so-kien-nghi-chinh-sach.aspx, truy cập ngày 01/3/2023.
 
ThS. Phạm Thị Hải Vân (Trường Đại học Phan Thiết)

ThS. Trần

Việt Dũng (

Trường Đại học Luật Thành phố

Hồ Chí Minh )

Source: https://vh2.com.vn
Category : Đánh Giá